Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Không đổi tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

“Bằng niềm tin và sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nhất trí cao với việc khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng tại điều 4 của Hiến pháp cũng như nhất trí với những nội dung của Ủy ban dự thảo đưa vào trong điều 4” - ông Phạm Đức Châu, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, bày tỏ.
Đảng “duy nhất lãnh đạo”
"Về nền móng chế độ kinh tế đã được khẳng định, đó là chế độ sở hữu công hữu đối với tư liệu sản xuất chủ yếu thông qua sở hữu toàn dân. Nền kinh tế đóng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ta, định hướng cho kinh tế thị trường phát triển xã hội chủ nghĩa đó là kinh tế nhà nước, cùng với kinh tế tập thể tạo nên nền móng của chế độ chúng ta về mặt kinh tế. Hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết hữu cơ với nhau. Nếu chỉ một trong hai thành tố này thay đổi thì bản chất chế độ chúng ta sẽ thay đổi"
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ)
Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ đề nghị: “Để phù hợp với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thành lập, tham gia các đảng phái chính trị, tiến hành hoạt động chống phá cần bổ sung chỉnh lý điều 4 dự thảo văn bản theo hướng quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất, tôi xin nhấn mạnh là duy nhất, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Đồng tình duy trì “điều 4”, nhưng đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) phân tích thêm: “Trong những năm qua bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được trên tất cả các lĩnh vực do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đó là điều không thể phủ nhận. Qua tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trên thực tiễn nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với Nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật. Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể”.
Giữ nguyên tên nước khẳng định mục tiêu xây dựng đất nước
"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tôi xin nhấn mạnh từ “bình đẳng” là vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đây cũng là nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam"
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà nêu mong muốn của một bộ phận nhân dân trở lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông Hà nhấn mạnh: “Cử tri nhận thấy tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bền vững theo thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, làm niềm tin của mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh của một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc và làm cho nhân dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nếu cho rằng tốn kém do đổi tên nước, vậy các lần đổi tên nước trước đây thì sao, phải chăng không tốn kém?”.
Không nghĩ như ông Hà, có ít nhất hơn 20 ý kiến khác cho rằng không nên đổi tên nước. “Ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp” - thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ lên tiếng. Ông Kỳ phân tích: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi đã được Quốc hội khóa VI quyết định vào ngày 2-7-1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên gọi này gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước. Tên gọi khẳng định làm rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...”.
“Việc giữ nguyên tên nước sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đảm bảo ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự” - ông Kỳ nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét