Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Vấn đề tôn vinh và thực hiện chính sách ưu đãi với những người có công bảo vệ Tổ quốc

Sau khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân (sau đây viết tắt là Dự thảo), đã được các cấp, các ngành, toàn dân quan tâm, đã và đang có  nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với bản Dự thảo. Trong đó có nhiều ý kiến có chất lượng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới vận mệnh của quốc gia dân tộc với mong muốn nước ta có một Hiến pháp tốt nhất, ưu việt nhất; bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 Trong số những ý kiến đóng góp vào Dự thảo, có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm công dân trong bổ sung, xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp năm 1992 và nó dễ dàng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao của mọi người  dân Việt Nam, song cũng có những ý kiến cần phải bàn thêm, thậm chí không thể đưa vào Hiến pháp.
Ai cũng biết Hiến pháp là bộ luật gốc có hiệu lực pháp lý cao nhất của một nước; các điều, khoản; các nội dung trong Hiến pháp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên sự hoàn chỉnh, thống nhất, phản ánh rõ ý chí, nguyện vọng; quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ chính đáng, thiêng liêng của mọi công dân và các cộng đồng người trong một quốc gia dân tộc có độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và của một thể chế chính trị đại diện chân chính cho lợi ích chính đáng của nhân dân và toàn dân tộc. Vì vậy, việc đưa từng nội dung vào Hiến pháp và chỉnh sửa các nội dung của nó cho phù hợp với tình hình thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi vì, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp là nhằm phát huy tốt tác dụng của Hiến pháp trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân yêu nước. Do đó, từng điều, từng khoản mà Dự thảo Hiến pháp đưa ra để toàn dân góp ý cần phải khảo cứu hết sức công phu, nghiêm túc, đặc biệt cẩn trọng trong tiếp thu, chỉnh sửa và nó phải đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân trong xã hội; đồng thời, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất bản chất của chế độ chính trị - xã hội và lợi ích chính đáng của toàn dân trong một quốc gia dân tộc thống nhất, có độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Về vấn đề tôn vinh và thực hiện chính sách ưu đãi với những người có công với nước, có ý kiến đề xuất: “… ghi nhận và tôn vinh công lao của tất cả những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh”.
Ý kiến này có hai nội dung: Thứ nhất,…ghi nhận và tôn vinh công lao của tất cả những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc; Thứ hai, ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh.
Về nội dung đề xuất thứ nhất,…ghi nhận và tôn vinh công lao của tất cả những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Nội dung này có thể nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao của mọi người dân Việt Nam. Bởi lẽ, đối với dân tộc ta - một dân tộc dạn dày, gan góc, đã dũng cảm đứng lên với một quyết tâm sắt đá: thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ; “ai có súng thì dùng súng, ai có gương thì dùng gương, không có súng, có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác”, đã “nhất tề” đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì vậy, hơn một ngàn năm Bắc thuộc cũng như hơn một trăm năm Pháp thuộc...ông cha ta đã mưu trí, sáng tạo, kiên quyết đấu tranh chống ách đô hộ và xâm lược để khẳng định nền độc lập, sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc Việt Nam; đã có hàng triệu người dân yêu nước chẳng tiếc máu xương, hy sinh tuổi xuân, tính mạng để bảo vệ giang sơn gấm vóc và hạnh phúc của muôn người.
 Lịch sử dân tộc ghi nhận sự cống hiến, hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, tôn vinh những người đã hy sinh thân mình để bảo vệ cuộc sống của nhân dân, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã trở thành truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ người dân Việt Nam xưa và nay.
Trong buổi tiếp đoàn nhà báo Việt kiều ở Hoa Kỳ - phóng viên các báo: Vietweekly, BolsaTv, KBC hải ngoại, tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn - 2012, thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã khẳng định: Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận và vinh danh những binh lính và sĩ quan hải quân trong Quân lực Việt Nam cộng hòa - Quân đội của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975, đã chiến đấu, hy sinh ở Hoàng Sa tháng 1 năm 1974. Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại ba ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, từ ngày 2 đến 5/6/2010, là một minh chứng cho điều đó. Tham dự Đại lễ cầu siêu này có cả Việt kiều ở Hoa Kỳ, gồm một số nhà báo và khoảng 30 cựu quân nhân trong Quân lực Việt Nam cộng hòa.
Đối với dân tộc ta, sống theo đạo lý, thực hiện ân nghĩa, đối xử nhân đạo đối với người có công với nước, những người đã “cải tà, quy chính” không bao giờ bị bó hẹp, thờ ơ, quên lãng. Lòng độ lượng, đức tính khoan dung luôn tỏa sáng ngay cả đối với kẻ thù hung bạo khi chấp nhận đầu hàng, chúng ta cũng tạo điều kiện, mở đường cho họ sống, thực hiện hiếu sinh.
Việc lập đền thờ tưởng niệm, thắp nén hương khấn vái vong linh những người đã khuất, bất kể là ai, luôn được tôn trọng với thái độ thành kính, tôn nghiêm. Đó là nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Vì vậy, không cần ghi vào Hiến pháp, chúng ta vẫn có thể làm tốt chính sách giúp đỡ, hỗ trợ nhân đạo với tinh thần trách nhiệm cao, kể cả đối với những người trước đây thuộc “chiến tuyến bên kia”, nay đã quay về với dân tộc hoặc gia đình, người thân của họ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Về nội dung đề xuất thứ hai: ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh. Đây là một nội dung đề xuất sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 không thỏa đáng; không nên tiếp nhận và ghi vào Hiến pháp, bổ sung, chỉnh sửa năm 2013.
Trước hết, nội dung đề xuất nêu trên là phi lịch sử.
Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược ở Việt Nam bùng lên mạnh mẽ, rộng khắp cả nước. Tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Tháng 8 năm 1945, nhân dân Việt Nam đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đưa Cách mạng tháng Tám đi đến thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau 9 năm “nếm mật nằm gai”, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đất nước tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau.
 Ở miền Bắc, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tổ chức toàn dân xây dựng đời sống mới theo đường lối xã hội chủ nghĩa; là hậu phương lớn của tuyền tuyến lớn - chiến trường miền Nam; đã kiên trì đấu tranh để thống nhất đất nước. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý, cấu kết với đế quốc Mỹ thực hiện các chính sách đàn áp dã man quân và dân ta. Điều này ai ai cũng đều thấy rõ.
Hiến pháp của Việt Nam cộng hòa năm 1956 và sau đó là Hiến pháp năm 1967 đều đặt những người cộng sản và những người kháng chiến ra ngoài vòng pháp luật. Hiến pháp Việt Nam cộng hòa năm 1967 - Hiến pháp cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, Điều 4 viết: “1- Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức; 2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ”; Điều 18, khoản 3, viết: “Quốc Gia có nhiệm vụ nâng đỡ đời sống tinh thần và vật chất của các chiến sĩ quốc gia, bảo trợ và dưỡng dục các quốc gia nghĩa tử”. Với Hiến pháp ấy, chính sách ưu đãi chỉ dành cho các gia đình tử sĩ, thương binh là những người tham gia Quân lực Việt Nam cộng hòa - quân đội của chính quyền Sài Gòn và nó đã được khẳng định rất rõ ràng.
Ngược lại, trên thực tế những người cộng sản, những người tham gia phòng trào kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ở miền Nam trước 30/4/1975 bị Mỹ, Ngụy đàn áp rất dã man, tàn khốc. Trước năm 1975, ở miền Nam trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát, liệu có ai nghĩ đến và đòi hỏi chính quyền Việt Nam cộng hòa thực hiện chính sách ưu đãi: tôn vinh và chu cấp cho các gia đình liệt sĩ và thương binh là những người đã từng tham gia kháng chiến, những người tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc? Chắc chắn là không. Thời kỳ Việt Nam cộng hòa không hề có chính sách này và cũng không ai đề nghị chính quyền Việt Nam cộng hòa thực hiện chính sách này đối với quân giải phóng và đồng bào ta hy sinh do sự tàn sát dã man của Mỹ, Ngụy. Điều đó không có gì lạ. Bởi lẽ, trong bảo vệ Tổ quốc, quân đội bao giờ cũng mang nội dung chính trị, vấn đề này sẽ được bàn rõ hơn ở nội tiếp dưới đây.
Thứ hai, nội dung đề xuất trên sẽ dẫn đến sự mơ hồ và lẫn lộn giữa mục tiêu, lý tưởng và bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam cộng hòa.
Tổ quốc, dưới bất kỳ hình thức nào và ở nơi đâu, đều bao hàm nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có hai yếu tố rất cơ bản là yếu tố địa lý tự nhiên - lịch sử và yếu tố chế độ chính trị - xã hội. Mọi tổ quốc đều được xác lập trên một lãnh thổ xác định - tất nhiên với những nước có biển thì còn bao hàm cả lãnh hải và vùng biển đảo của mình, và trên lãnh thổ đó có một thể chế chính trị xác định. Hai yếu tố này không bao giờ tách rời nhau mà luôn bện chặt vào nhau, cần có nhau và luôn bổ sung cho nhau.
Đây là điều  hiển nhiên mà tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới đều thừa nhận vì nó là có thật và luôn luôn là sự thật. Không ai và không thể có một lực lượng nào đó gọi là có lương tâm, trách nhiệm trước cuộc sống lại mưu toan tách rời hai vấn đề máu thịt ấy hoặc chỉ nhấn mạnh yếu tố này, coi thường yếu tố kia.
Vì lẽ đó, nói đến bảo vệ tổ quốc là nói đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ chính trị - xã hội được xác lập, xây dựng trên lãnh thổ đó. Nghĩa là, tổ quốc bên cạnh và gắn liền với nội dung địa lý tự nhiên - lịch sử là nội dung chính trị - xã hội; và vì thế, bảo vệ tổ quốc, bên cạnh và gắn liền với việc bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, thềm lục địa, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên của đất nước thì đồng thời phải bảo vệ chế độ chính trị - xã hội xây dựng trên lãnh thổ đó; tức là bảo vệ thể chế chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc...; hay nói một cách khác, là đồng thời bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ chế độ chính trị - xã hội của nước ta. Rõ ràng là, tổ quốc và bảo vệ tổ quốc không chỉ mang nội dung địa lý tự nhiên - lịch sử mà còn mang nội dung chính trị - xã hội.
Hiến pháp Việt Nam cộng hòa năm 1967, ngoài Điều 4 trích ở trên đã cho thấy rất rõ nội dung chính trị - xã hội trong quan niệm về bảo vệ Tổ quốc, còn Điều 25 cũng xác định: “Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc và chánh thể Cộng Hòa”; Điều 27: “Mọi công dân đều có nghĩa vụ thi hành quân dịch theo luật định”; tất nhiên là để “bảo vệ Tổ quốc và chánh thể Cộng hòa” do Mỹ điều hành và chính quyền Sài Gòn quản lý.
Hiến pháp của Hoa Kỳ cũng đòi hỏi nguyên thủ quốc gia đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang phải bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh của đất nước, phải “trung thành và tận dụng hết khả năng của mình để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”.
Khi tổ quốc và bảo vệ tổ quốc mang nội dung chính trị - xã hội thì quân đội cũng không thể không mang nội dung chính trị, giai cấp. Quân đội của mọi quốc gia dân tộc đều có nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, đồng thời bảo vệ thể chế chính trị, bảo vệ nhà nước đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Theo đó, quân đội không chỉ là sảm phẩm của “dân tộc” mà còn là sản phẩm của “giai cấp” và ngược lại; theo đó, nó được sinh ra và thực hiện sứ mệnh cao cả thiêng liêng là bảo vệ cả độc lập, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia dân tộc; đồng thời, còn bảo vệ cả giai cấp, nhà nước, chế độ chính trị - xã hội đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó. Khi tuyệt đối hóa nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ dân tộc, tuyệt đối hóa “quân đội dân tộc” sẽ đi đến phủ nhận bản chất chính trị - xã hội của quân đội. Đó là điều trái với lẽ phải thông thường mà mọi người dân, dù trình độ nhận thức có khác nhau; song, ai cũng có thể hiểu được, phân biệt rõ ràng đúng sai, phải trái.
Do vậy, với nội dung đề xuất thứ hai: “ghi nhận và tôn vinh”, có “chính sách hỗ trợ” các “thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ”, thực chất là phản ánh nhận thức không đầy đủ về Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc, là thể hiện quan điểm “quân đội chỉ của dân tộc” mà phủ nhận quan điểm “quân đội của dân tộc đồng thời là của giai cấp”. Điều này không chỉ là sai lầm về nhận thức, xa rời sự thật lịch sử mà tất yếu sẽ dẫn đến đánh đồng bản chất chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân lực Việt Nam cộng hòa. Hệ lụy tiếp theo sẽ là sự lên ngôi của quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội, “phi đảng hóa” quân đội, rằng quân đội chỉ “bảo vệ Tổ quốc”, không bảo vệ chế độ và thể chế chính trị được xây dựng trên nó. Đó là những hệ lụy chính trị thực tiễn cần hết sức cảnh giác, đề phòng. 
Vì thế, nội dung đề xuất “ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh” không thể đưa vào Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét