1.
Lịch sử hình thành và phát triển của Dân
quân Tự vệ Việt Nam gắn liền với lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân
ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; vì cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Cột mốc đánh dấu khởi điểm của sự ra đời ấy lại là “Nghị quyết về Đội Tự vệ”,
tháng 3 năm 1935.
Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng ta đã quán
triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản.
Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải
phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng
để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt
cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược
văn tắt của Đảng (2/1930) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khởi thảo, đã
đề cập đến việc “tổ chức ra quân đội công - nông”. Luận cương Chính trị của Đảng
(10/1930) cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “lập quân đội công
nông” và “tổ chức ra đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng
1930-1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công
nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của lực
lượng Dân quân Tự vệ Việt Nam nói riêng, và cũng là mầm mống của lực lượng vũ
trang cách mạng Việt Nam nói chung. Sự ra đời của Đội Du kích Bắc Sơn, Du kích
nam Kỳ (1940), Cứu Quốc quân (1941), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
(1944), v.v., đã nói lên điều đó.
Trước
nạn khủng bố trắng vô cùng dã man, tàn khốc của thực dân Pháp và bè lũ tay sai,
phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng công nông dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh và lan rộng ra khắp các vùng
miền của đất nước. Nhờ đó, nhân dân ta đã kịp thời ngăn chặn bàn tay đẫm máu,
đầy tội ác của quân xâm lược và bè lũ tay sai; tự bảo vệ mình, cứu được giống
nòi và gấp rút chuẩn bị lực lượng cho cách mạng để khi thời cơ đến thì tiến hành
tổng bạo động vũ trang đòi lại chính quyền, giành độc lập, tự do cho dân tộc;
đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào... Đảng ta đã xác định đây là những công
việc cần kíp, cần làm ngay khi tình hình biến động ở xứ Đông Dương và thế giới
đang đến gần, ngày càng có lợi cho ta.
Nhằm
tổng kết những kinh nghiệm đã qua, kịp thời chỉ đạo về tổ chức, lãnh đạo và
hoạt động của các đội vũ trang cách mạng, ngày 28 tháng 3 năm 1935, Đại hội lần
thứ nhất của Đảng được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Tại Đại hội này, Đảng
ta đã thông qua “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Nghị quyết xác định: “Công nông Tự
vệ phân biệt với Du kích đội, nó cũng không phải là Hồng quân; Hồng quân, Du
kích đội không phải bao giờ muốn tổ chức thì tổ chức được ngay, còn Đội Tự vệ
hễ có cách mạng vận động dù yếu mấy cũng có thể là cần phải tổ chức ngay; tự vệ
đội càng mạnh tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến
tranh, võ trang bạo động, Hồng quân”[1]. Nghị quyết Đội Tự vệ là
bước ngoặc quan trọng trong chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách
mạng và là hình thức đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của Đảng ta; đánh dấu sự
tự tin, vững vàng về quan điểm, lập trường mácxít - lêninnít của Đảng ta ngay
từ lúc bấy giờ. Nghị quyết đã phân tích, đánh giá đúng tình hình thời cuộc và
chỉ ra rằng, “Vấn đề đội tự vệ là một vấn đề hiện tại cần phải giải quyết ngay”;
toàn Đảng phải để tâm làm công việc hệ trọng ấy. Vì vậy, Nghị quyết khẳng định:
“Công nông cách mạng Tự vệ đội tổ chức ra mục đích để:
a)
Ủng hộ quần chúng hằng ngày;
b)
Ủng hộ quần chúng trong các cuộc đấu tranh;
c)
Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông;
d)
Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và
làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi”[2].
Ngày 28 tháng 3 năm 1935 đã đi vào lịch sử đấu tranh
cách mạng của Đảng như một mốc son tươi thắm - Ngày “Nghị quyết về Đội Tự vệ”
ra đời, được coi là ngày thành lập Dân quân Tự vệ và ngày này, đã được công
nhận là Ngày Truyền thống của Lực lượng Dân quân Tự vệ Việt Nam.
2.
Nghị quyết về Đội Tự vệ đã xác định rõ bản chất giai cấp, bản chất cách mạng
của một tổ chức có tính chất nửa quân sự của quần chúng nhân dân lao động, chủ
yếu là của công nông, lấy “sản nghiệp và làng hay xã làm cơ sở tổ chức” để thực
hiện sứ mệnh của cách mạng giao. Đội Tự vệ phải do Đảng của giai cấp công nhân
lãnh đạo, sự ra đời, phát triển, trưởng thành của nó phải gắn liền với phong
trào đấu tranh cách mạng của quảng đại quần chúng nhân dân. Thành phần tham gia
các Đội Tự vệ là những người lao động nhiệt tình, cương quyết, không phân biệt
gái, trai, hoặc dân tộc, từ 18 tuổi trở lên, có lòng yêu nước, thương nòi, có
sức khỏe tốt đều có thể tham gia Đội Tự vệ công nông. Nghị quyết chỉ rõ: Ở
làng, xã nào, nếu có từ 5 đến 9 người thì tổ chức thành một tiểu đội; mỗi tiểu
đội có một người đội trưởng chỉ huy, tiểu đội lớn thì có một chánh, một phó đội
trưởng. Theo đó, ở đâu có 3 tiểu đội thì thành lập một trung đội. Trung đội có
một người chánh, một người phó trung đội trưởng và một người đại biểu của Đảng
Cộng sản đứng bên cạnh để giúp người chỉ huy. Ba trung đội thì tổ chức thành
một đại đội. Ngoài chánh, phó đại đội, rất khoát Đảng phải cử một đại biểu của
Đảng Cộng sản để “chỉ huy”. Cứ theo phép “tam biểu” mà tổ chức lên cấp tiểu
đoàn, trung đoàn và tập đoàn.
Trong Nghị quyết, Đảng ta
xác định: Thời cơ đang đến gần, Đảng phải ra sức khếch trương công tác
"phản đối binh bị", đồng thời, xúc tiến mọi mặt để chuẩn bị tổ chức
ra quân đội của nhân dân. Trước mắt, Đảng cần tập trung lãnh đạo để tổ chức các
đội tự vệ của công nông, phải làm cho các khẩu hiệu chống chiến tranh xâm lược
của đế quốc chủ nghĩa và bọn tay sai lan nhanh ra khắp mọi miền đất nước và ăn
sâu vào trong tâm trí quần chúng nhân dân. Có làm như vậy, quần chúng nhân dân mới
hiểu rõ hơn tình thế cách mạng sắp đến và ra sức ủng hộ, giúp Đảng và các đoàn
thể; nhờ đó mà chuyển chiến tranh đế quốc ra chiến tranh cách mạng, thực hiện thắng
lợi mục tiêu đánh đổ thực dân Pháp đang cấu kết với bọn việt gian, phản động,
hại dân, hại nước; mới xóa bỏ được áp bức bóc lột, bất công; đem lại cuộc sống hòa
bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Tôn chỉ, mục đích của Đảng ta thật rõ ràng, là
lãnh đạo quần chúng nhân dân đánh đổ thực dân Pháp và tay sai, lấy các Đội Tự
vệ làm nòng cốt để thực hiện vũ trang bạo động, giành lấy chính quyền về tay
nhân dân; xây dựng cuộc sống mới theo gương cách mạng tháng Mười Nga. Vì vậy,
dù còn khó khăn, gian khổ, nhưng ý chí quyết tâm của Đảng là chuẩn bị tốt nhất
các điều kiện để sớm tổ chức bộ quân sự của Đảng. Có như vậy thì Đảng mới có
thể thực hiện công tác huấn luyện quân sự cho đảng viên, các chiến sĩ của Đội
Tự vệ và quần chúng nhân dân. Nhiệm vụ này hết sức cần kíp, không thể ngồi im
chờ đợi thời cơ hoặc để tuột mất thời cơ khi nó đến. Trước mắt, Đảng cử những
cán bộ ưu tú thuộc thành phần cốt cán, đặc biệt trung kiên, tin cậy; có hiểu
biết chính trị và tinh thông tác chiến vũ trang để giúp cho công nông hội tổ
chức các Đội Tự vệ. Ban đầu thì những Đội Tự vệ này sống trong dân, cùng ăn,
cùng ở, cùng làm với nhân dân, sau này đủ sức thì có thể tách ra thành các đội
vũ trang cách mạng, họat động tương đối độc lập; nhưng ở hình thức nào thì công
việc chính vẫn là ra sức chăm lo công việc đoàn thể, chuyên trách đảm nhiệm
công tác quân sự, bảo mật, trừ gian, giữ vững sự ổn định chính trị, trật an
toàn ở địa phương, “no hay đói”, “sống hay chết” đều gắn bó chặt chẽ với quần
chúng nhân dân, với từng địa bàn. Qua hoạt động thực tế, từng bước tích lũy
kinh nghiệm, siêng năng học tập, rèn luyện sẽ lớn dần lên; cho đến khi huấn
luyện quân sự vững vàng thì sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, lấy liên thôn, liên
xã làm điạ bàn, lấy đồn địch để tiến tới, uy hiếp, bao vây, tiêu diệt chúng;
lấy công tác đấu tranh bảo vệ cuộc sống an bình của gia đình, làng xóm làm lẽ
sống, niềm vui. Đến khi có điều kiện thì liên kết các Đội Tự vệ giữa các tổng,
các làng để hợp lực, tạo nên sức mạnh để chống lại sự xâm lấn, vơ vét, “giết
người, cướp của” mà lũ quân xâm lược và tay sai gây nên; khi thời cơ đến thì quyết
đánh, tiêu diệt chúng.
Về
chính trị, Nghị quyết Đội Tự vệ xác định: luôn luôn phải giữ vững tính chất
cách mạng của Đội Tự vệ; bất luận trong hoàn cảnh nào đều “phải giữ quyền chỉ
huy nghiêm ngặt của Đảng trong Đội Tự vệ”. Kỷ luật của Đội Tự vệ tuy không phải
là kỷ luật nhà binh, song hết sức nghiêm khắc. Đội viên phải tuyệt đối phục
tùng mệnh lệnh; phải giữ bí mật; tiểu đội nào biết tiểu đội ấy; không để lộ,
lọt thông tin, bí mật quân sự. Để Đội Tự vệ mau chóng phát triển, trưởng thành,
cần triệt để lợi dụng khí thế tiến công và sự bành trướng của phong trào cộng
sản trong Đông Dương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền quần chúng nhân dân; làm
cho họ tăng thêm lòng căm thù bọn thực dân, phong kiến, tay sai tàn bạo, độc ác.
Và đó cũng là cánh tốt nhất để làm cho quần chúng nhân dân thức tỉnh, mau đứng
về phía cách mạng, ra sức ủng hộ Đảng và cách mạng; tích cực tham gia các Đội
Tự vệ và các đoàn thể do Đảng tổ chức để hợp lực chống kẻ thù giai cấp. Đảng
phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết rõ mục đích của Đảng và ý kiến
của Đảng đối với các việc quan trọng diễn ra hàng ngày là đều vì lợi ích của
nhân dân. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động;
phải làm cho mỗi đội viên Đội Tự vệ nhìn thấy, hiểu biết, chăm lo công việc ấy
như công việc của mỗi người và theo đó, các đội viên Đội Tự vệ sẽ thi đua với
nhau để lập thành tích; thế chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta. Đó là một điều
chắc chắn, là niềm tin sắt đá để đi đến thắng lợi. Không thế lực thù địch nào
có thể ngăn đường, cản bước chúng ta đi tới.
Muốn
vậy, Đảng phải phát huy vai trò của từng cán bộ, đảng viên; tận dụng tốt công
tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, các đội viện của Đội Tự vệ, kể cả dùng
biện pháp nói mồm (tuyên truyền miệng), dùng sách, báo, truyền đơn, mở lớp,
thực hành diễn thuyết, v.v., ngay từ trong gia đình, họ hàng, làng tổng của
mình. Tài liệu huấn luyện, tuyên truyền phải viết cho ngắn gọn, rõ ràng, dễ
hiểu và in cho sạch sẽ, có sức thuyết phục để mọi người dân đều có thể hiểu và
làm được công việc cách mạng. Đây là công việc chính yếu của Đảng vì nó không
chỉ làm cho Đảng ngày càng thêm mạnh nhờ củng cố khối đoàn kết toàn dân mà quan
trọng hơn, đây là “bước thực hành của Đảng” để tiến tới rút kinh nghiệm lãnh
đạo công tác quân sự của Đảng, chuẩn bị cho thành lập các tổ chức vũ trang cách
mạng nay mai.
Trong
Nghị quyết này, Đảng còn chỉ rõ: bất luận như thế nào, dù thuận lợi hay gặp
phải tình cảnh khó khăn, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải xung kích đi đầu,
có trách nhiệm lớn lao là phải ra sức vận động trong các sản nghiệp, làng tổng
và các đoàn thể của thợ thuyền, dân chúng, làm cho ảnh hưởng của Đảng, của các
Đội tự vệ ngày càng lan rộng và mạnh hơn trước. Khi có những cuộc tranh đấu xảy
ra, thì Đảng phải can thiệp vào ngay để động viên, cỗ vũ các Đội Tự vệ. Sau mỗi
lần như vậy, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn những cuộc tranh đấu lần
sau sắp tới.
Để
nâng cao thanh thế, uy lực của các Đội tự vệ công nông, Đảng cử cán bộ ưu tú
của Đảng tham gia giữ các chức vụ uỷ viên để Đội tự vệ luôn đi đúng đường lối.
Các ủy viên này có trách nhiệm giáo dục, thuyết phục, lôi kéo quần chúng tốt
đứng về phía Đảng, từng bước giao trách nhiệm của tổ chức, đoàn thể cho người
đội trưởng, đội phó để trong từng Đội Tự vệ, tính đảng nâng cao dần. Đến khi,
đủ sức thì, trong từng Đội Tự vệ có thể thành lập chi bộ Đảng để làm hạt nhân
gây dựng phong trào và phát triển sức mạnh quân sự; làm cho các làng, tổng,
thôn xã thành các “pháo đài vững chắc” để bảo vệ sự bình yên của quê hương; tạo
điều kiện thuận lợi để dân chúng an tâm đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích cực
góp phần mình ủng hộ cách mạng, kiên quyết đòi lại độc lập, tự do, cuộc sống ấm
no, hạnh phúc cho mọi nhà.
Một
trong những quan điểm quan trọng mà Nghị quyết khẳng định là tổ chức các Đội Tự
vệ tại chỗ, thành viên của đội là từ thành phần dân chúng, được chọn lựa trong
những người con ưu tú của quê hương, là đoàn viên hay đảng viên, để họ vừa tham
gia sản xuất, tạo ra của cải nuôi sống gia đình và bản thân mình; đồng thời,
tạo ra một phần của cải dôi dư, có dự trữ để cung cấp nhu yếu phẩm cho đoàn thể
khi cao trào cách mạng lan rộng ra; vừa cải tiến, chế biến vũ khí, trang bị
quân sự để bảo vệ dân làng; sẵn sàng chiến đấu khi tình huống xảy ra và khi cần
thiết, có thể bổ sung cho quân đội cách mạng; biết phối hợp chiến đấu để giành
được thắng lợi. Mỗi đội viên dân quân tự vệ là một hạt nhân, giữ vai trò nòng
cốt để xây dựng phong trào toàn dân đánh giặc tại địa phương và tích cực tham
gia các đội du kích, quân đội của Đảng khi điều kiện chín muồi, kể cả tham gia
cướp chính quyền về tay nhân dân.
Chủ trương của Đảng là
phải làm cho các Đội Tự vệ không ngừng lớn mạnh bằng chính thực lực của dân
chúng. Muốn vậy thì phải tranh thủ được sự giúp đỡ tối đa của dân chúng, nhất
là làm cho dân chúng hiểu rõ ý thức đề cao cảnh giác, biết tự vệ, phòng vệ, trừ
gian. Và như vậy, Đảng cho rằng, khi cuộc tranh đấu lan rộng thì nhất thiết
Đảng phải đề ra được khẩu hiệu chính trị làm phương châm chỉ đạo hành động.
Nghị quyết cho rằng, “Không có một sản nghiệp nào, một làng nào, có cơ sở của
Đảng, của Đoàn, của các hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội Tự vệ,
đó là khẩu hiệu của chúng ta hiện nay”[3]. Phải làm cho mỗi người
dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ đối với việc nhà, việc
làng cũng như việc nước; tất cả đều quan trọng, nếu làm một công việc nào đó mà
không tốt thì sẽ làm liện lụy, ảnh hưởng đến các công việc khác, nhất là những
việc không có lợi cho cách mạng. Nghị quyết về Đội Tự vệ nhấn mạnh đến mối quan
hệ gần gũi, thân ái giữ các thành viên Đội Tự vệ với Đảng, với quần chúng nhân
dân. Để làm tốt điều này và nhiều điều khác, Đảng phải luôn coi trọng xây dựng
Đội Tự vệ vững mạnh về chính trị, về tổ chức, biên chế, về hoạt động huấn
luyện, trang bị vũ khí cho Đội Tự vệ công nông, lấy tiêu chuẩn phù hợp với thực
tế làm thước đo sự phát triển của mỗi Đội Tự vệ.
Nhìn chung, với việc ra đời của Nghị quyết về Đội tự vệ, lần đầu
tiên Đảng ta xây dựng được nguyên tắc xây dựng về chính trị cũng như xây dựng
về quân sự của lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng một cách khá căn cơ, tương
đối hệ thống và toàn diện; thể hiện rõ lập trường, quan điểm giai cấp công nhân
trong xây dựng đội quân cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cũng như xây dựng
dựng lực lượng nửa vũ trang (bán vũ trang) cách mạng; trong đó đấu tranh chính
trị giữ vị trí then chốt. Có thể coi những quan điểm này là nền móng vững chắc
để từ đó, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn quan điểm, đường lối
xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng của Đảng trong các giai đoạn
tiếp theo và sau này. Và Nghị quyết đánh dấu điểm xuất phát của phong trào cách
mạng nước ta khi nó bước sang thời kỳ trực tiếp vận động giải phóng dân tộc và
tiến tới chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng về tay nhân
dân.
3. Sau khi Nghị quyết về Đội tự vệ ra đời, nhất là trước khi cách
mạng tháng Tám nổ ra, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị lần lượt ra
đời, đóng vai trò làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa,
tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa, vùng giải
phóng. Khi cách mạng tháng tám năm 1945 bùng nổ, lực lượng dân quân tự vệ đã
cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay
nhân dân. Từ đây, dân quân tự vệ trở thành lực lượng vũ trang hùng hậu của Nhà
nước Việt Nam độc lập, là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân
dân, là công cụ sắc bén để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ vững
chắc thành quả cách mạng vừa mới giành lại được.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng dân quân tự
vệ phát triển rộng khắp cả nước. Mặc dù chỉ được trang bị bằng các loại vũ khí thô
sơ, tự tạo là chủ yếu, lại phải đương đầu với quân đội thực dân, đế quốc được
trang bị vũ khí tối tân hiện đại, lực lượng dân quân tự vệ đã cùng nhân dân xây
dựng làng xã chiến đấu, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiến hành nhiều chiến dịch
lớn, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng dân quân tự
vệ miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay địch, bắt sống nhiều phi công Mỹ, tiêu
diệt hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Đồng
thời, tích cực phục vụ chiến đấu, chi viện sức người sức của cho chiến trường
miền Nam; cùng bộ đội chủ lực và nhân dân miền Nam tiến công và nổi dậy, giải
phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thực hiện trọn vẹn “Di chúc”
thiêng liêng của Bác Hồ. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng dân quân tự vệ đã được
huy động tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; trực tiếp chiến đấu, phối
hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc
chiến tranh biên giới Tây Nam, Tây Bắc.
Ngày nay, lực lượng dân quân tự vệ được phát triển cả về chất
lượng, số lượng, biên chế tổ chức, trang bị. Trong đó, tổ chức, biên chế ngày
càng tinh gọn hơn nhưng chất lượng tổng hợp của dân quân tự vệ được nâng cao,
đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong
tình hình mới.
Trải qua quá trình xây
dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ đã tỏ
rõ sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng
của Đảng, luôn xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của
toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận
kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào
cũng phải tan rã./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét