Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Cơ sở lý luận nâng cao năng lực trí tuệ của Đảng

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được; quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, không chỉ ở năng lực thực tiễn, mà cả ở năng lực tư duy lý luận, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; trong đó, những hạn chế, yếu kém về năng lực trí tuệ của một đảng cầm quyền rất cần được nhận thức thấu đáo và giải quyết hiệu quả hơn. Góp phần làm rõ cơ sở lý luận - thực tiễn nâng cao năng lực trí tuệ của Đảng trong tình hình mới, trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích, luận giải các vấn đề về quan niệm, bản chất và vai trò của trí tuệ và các vấn đề liên quan; các khâu căn cốt nhất, cần và đủ để đề xuất giải pháp nâng cao năng lực, trình độ trí tuệ cho cán bộ, đảng viên; góp phần nâng tầm cao uy tín, vị thế của Đảng ta - một đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới.
Ngày nay, khoa học hiện đại đã chúng minh rằng, trí tuệ là một năng lực riêng có của con người. Trí tuệ hiện diện trong mọi mặt đời sống, hoạt động của con người và tổ chức; là một đặc trưng mang bản chất nhân cách. Do đó, con người không thể tồn tại với tư cách là con người nếu không có trí tuệ hoặc con người bị thiểu năng trí tuệ, bộ óc bị tổn thương. Dù khoa học đã phát triển nhưng cho đến tận ngày nay, trong học thuật, vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm “trí tuệ” được mọi người chấp nhận, thừa nhận với ý nghĩa là chính thống và do đó, rất khó khăn trong việc vận dụng, luận bàn cần phải làm gì và làm như thế nào để nâng cao năng lực, trình độ trí tuệ cho con người khi mà bản thân nó chưa được định dạng rõ ràng, luận giải tường minh. Điều gợi mở, khiến chúng tôi “tò mò”, muốn đi sâu tìm hiểu xem “cái gốc của trí tuệ” là gì và các nhà khoa học đã khám phá nó đến đâu.
Việc tìm hiểu ngữ nghĩa với vai trò “chỉ rõ mặt, đặt đúng tên” đã dẫn dắt chúng tôi tìm đọc Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh. Theo học giả này, “trí tuệ” là “thông minh, sự linh hoạt (intelligence parfaite)” [1]. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, trí tuệ được định nghĩa là “khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định”[2]. Trong Từ nguyên[3], trí tuệ được xác định: a. thông minh, tài trí; b. sức mạnh nhận thức, chứng thực chân lý. Trong tiếng Anh, từ “intelligence” có nghĩa là chất lượng của sự thông minh hay sáng suốt và là “năng lực suy nghĩ, lập luận và hiểu biết”. Theo Oxford Advanced Learners Dictonary, “intelligence” có nghĩa là “khả năng làm tốt việc học, hiểu và suy nghĩ theo lôgíc về mọi mặt”. Điểm qua quan niệm của một số bộ từ điển có uy tín trên thế giới cho thấy, đến nay quan niệm về “trí tuệ” vẫn còn có nhiều khác biệt và nó cần phải tiếp tục nghiên cứu, sớm tìm lời giải đáp.
Tuy nhiên, điểm chung mà hầu hết các quan niệm đều phản ánh là khái niệm “trí tuệ” được sử dụng để chỉ trình độ, chất lượng cao của một loại hình hoạt động đặc thù của một dạng vật chất có tổ chức cao nhất, hoàn thiện nhất là bộ óc con người là nhận thức, tinh thần do bộ óc người tạo nên. Điều đó có nghĩa là, khái niệm trí tuệ không được dùng để chỉ toàn bộ hoạt động nhận thức, tinh thần mà chỉ phản ánh trình độ, chất lượng cao của hoạt động ấy. Người bị thiểu năng trí tuệ hay bị tổn thương bộ não, có khuyết tật ở bộ não, rối loạn thần kinh, tâm thần...không thể có trí tuệ. Vì vậy, cái quyết định để hoạt động nhận thức, tinh thần trở thành trí tuệ là trình độ, chất lượng của hoạt động ấy, sản phẩm của hoạt động ấy.
Sự khó khăn trong việc định dạng, tìm kiếm quan niệm chính xác về trí tuệ đã được các nhà khoa học đề ra một phương án dễ hơn khi cho rằng: a. nên đồng nhất trí tuệ với trí thông minh; định nghĩa trí tuệ thông qua định nghĩa trí thông minh vì trí thông minh thể hiện rõ hơn năng lực giải quyết các nhiệm vụ mới thông qua họat động tư duy; b. chỉ khi nào sự việc mới mẻ có được cách giải quyết tốt thì mới đạt đến trình độ trí tuệ; c. trí thông minh hay trí tuệ là sản phẩm của tư duy, gắn với quá trình tư duy; d. trí thông minh hay trí khôn gần nghĩa với trí tuệ, đó là khả năng hiểu biết, suy luận, sáng tạo, luôn thích nghi với sự biến đổi của hoàn cảnh, thời cuộc. Về khía cạnh này, trí thông minh và trí tuệ được xem xét chủ yếu trong mối quan hệ với nhận thức và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trên cơ sở nền học vấn và trình độ tư duy. Cho nên, cần hiểu trí tuệ thông qua trí thông minh; còn trí thông minh lại do năng lực tư duy trừu tượng, năng lực thích ứng đóng vai trò nổi trội, quy định.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giữa trí tuệ và trí thông minh cũng có những điểm khác nhau. Bởi, trí tuệ gắn liền với trí lực; trí tuệ dùng để chỉ năng lực chung nhờ sử dụng sự hiểu biết và các thao tác tư duy, giúp cho con người đạt được mục đích đề ra. Năng lực trí tuệ, hoạt động trí tuệ được coi là hoạt động diễn ra trước khi có hành động thực tế. Để có trí tuệ với đúng nghĩa, quá trình tư duy phải bám sát thực tiễn, thông qua các mối quan hệ, liện hệ chủ quan, khách quan. Về điểm này, không ít nhà khoa học cho rằng, không thể đề cao trí tuệ với tư cách là một phẩm chất bẩm sinh, ngay cả thiên tài cũng phải xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội, phụ thuộc vào sự tác động biện chứng của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan.
 Xem xét các khía cạnh nêu trên, chúng tôi cho rằng, dù muốn hay không, khi định nghĩa trí tuệ là gì không thể tách rời nó với quá trình nhận thức, hoạt động của ý thức mà ý thức chỉ riêng có ở con người, là đặc trưng hoạt động tinh thần của con người. Trí tuệ là khái niệm liên quan trực tiếp đến hoạt động nhận thức, đến năng lực lý tính của con người, tức là năng lực phản ánh gián tiếp hóa, khái quát hóa và trừu tượng hóa. Với ý nghĩa đó, trí tuệ gắn liền với hoạt động sáng tạo, đến năng lực giải quyết các vấn đề lý luận - thực tiễn. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn nội hàm của khái niệm trí tuệ thông qua các đặc trưng cơ bản: a. trí tuệ thuộc về tâm lý hay là chức năng tâm lý của cơ thể con người, xã hội; b. trí tuệ thuộc cấp độ ý thức (liên quan đến các yếu tố tâm trí, trí năng, lý trí, tư duy); c. trí tuệ là năng lực nhận thức lý tính với các hình thức cơ bản của nó là khái niệm, phán đoán, suy luận. Trí tuệ là hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người; trong đó có hoạt động trí óc, tạo ra tri thức và tư tưởng. Trí tuệ biểu hiện qua trí thông minh, hoạt bát, lanh lợi, linh hoạt, hiểu biết sâu rộng, thành thạo, năng khiếu bẩm sinh, sáng dạ, dễ tiếp thu; thông thái, uyên bác, tầm nhìn xa, trông rộng, sáng tạo, độc đáo, tỉnh táo, sáng suốt, dí dỏm, hài hước; sôi nổi, hùng biện, có tham vọng, v.v.. Từ sự phân tích trên, để có thể tiếp cận dễ dàng hơn về trí tuệ và dễ dàng vận dụng trí tuệ vào cuộc sống; chúng tôi chọn cách hiểu trí tuệ là sự tổng hợp của năng lực nhận thức và năng lực thực tiễn của con người trong việc thích nghi một cách sáng tạo với hoàn cảnh và có hiệu quả với môi trường xung quanh. Theo đó, có thể hiểu sâu sắc về trí tuệ khi phân tích kỹ các khái niệm có liên quan, đó là chất xám, trí lực, trí năng, lý tính, tư duy, trí thức, tài năng, thiên tài./.


[1] Đào Duy Anh: Từ điển Hán - Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 487.
[2] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.1034.
[3] Từ nguyên: Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2006, tr. 1442.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét