Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Mất độc lập, tự chủ - còn gì là tự do, là tự đánh mất mình

Do nhận thức chưa đúng nên có người cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức mà Đảng ta lại chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là thiếu nhạy bén, không thức thời; là tự mâu thuẫn với đường lối đổi mới do Đảng vạch ra và lãnh đạo. Theo họ, thế giới đương đại là “một thế giới phẳng”, không còn rào cản, ngăn cách, cả thế giới là một cái chợ “vĩ đại”, hoàn toàn thống nhất; ai cần thứ gì thì mua thứ đó, thiếu tiền thì đi vay. Vì thế, không nhất thiết phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ? Phải chăng làm như thế, Đảng ta đã rơi vào bảo thủ, bị trói buộc bởi phương thức tư duy siêu hình, trực quan, máy móc và giáo điều, Đảng ta đã tự làm khó mình vì đã “bớt bạn, thêm thù”?
Luận đề nêu trên nghe qua không ít người cảm nhận là có lý, nhưng suy ngẫm sâu sắc và nhìn rõ hơn sự thật lịch sử, điều kiện, hoàn cảnh nước nhà thì thấy nó không có cơ sở khoa học vì nó quá giản đơn, phiến diện, một chiều. Ai cũng biết rõ, độc lập, tự chủ là một xu hướng phát triển của thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, người ta “bung ra làm ăn” dưới nhiều hình thức liên doanh, liên kết rất đa dạng, phức tạp nhưng không ai dại gì để tự đánh mất mình, bị lệ thuộc, theo đuôi người khác, bị người ta thâu tóm, quản thúc, biến thành nô lệ; mà ngược lại, từ các nhà tài phiệt quốc tế đến các quốc gia, dân tộc đều giữ thế chủ động, đề cao tính độc lập, tự chủ trong kinh tế và cả trong chính trị, xã hội và quân sự; không ai phụ thuộc ai, không bao giờ nhầm lẫn, bị đánh tráo khái niệm, lẫn lộn “xanh đỏ, trắng đen”. Đó là một vấn đề có tính nguyên tắc, đã và đang chỉ đạo các mối quan hệ, ứng xử trước đây cũng như hiện nay, dù thành văn hay chưa thành văn; song bất kể ai, giai cấp, lực lượng nào, trong các quan hệ quốc tế, đều phải nhận thức và thực hiện các hành vi sao cho “đúng mực”, cốt là không sai “luật” và “lệ” nhằm bảo vệ vững chắc lợi ích của quốc gia, dân tộc mình.
 Với lợi thế là một trong những nước đi sau so với những nước đã tham gia hội nhập quốc tế trước đó, chúng ta có thể “đi tắt”, “đón đầu”, bỏ qua một số khâu, đoạn để đi ngay vào hội nhập quốc tế; rút ngắn thời gian mò mẫm, thử nghiệm. Những bài học thành công, không thành công của một số nước là “liều thuốc thử vô cùng quý báu”, đã và đang giúp chúng ta tránh rơi vào bế tắc, sai lầm. Chúng ta xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ không chỉ xuất phát từ quan điểm, đường lối chính trị độc lập, tự chủ mà còn là đòi hỏi của thực tiễn khách quan là phải đảm bảo độc lập, tự chủ vững chắc về chính trị, coi đó là cái đảm bảo chắc chắn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững khi chúng ta mở cửa, hội nhập quốc tế. Không thể nói rằng, chúng ta có độc lập, tự chủ về chính trị nhưng nền kinh tế của chúng ta lại phụ thuộc vào quốc gia, dân tộc khác, bị chi phối bởi các đối tác. Đây là một bài học kinh nghiệm “xương máu” mà một số nước tham gia hội nhập quốc tế trước ta đã mắc phải, chúng ta kiên quyết không đi lại lối mòn, lặp lại “điệp khúc” sai lầm mà người khác đã mắc phải.
 Thực tế chỉ ra rằng, nếu không xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì đương nhiên, chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào nước khác, sẽ bị các thế lực xấu, thù địch lợi dụng vấn đề kinh tế để lôi kéo, mua chuộc, hoặc khống chế, ép buộc chúng ta thay đổi chế độ chính trị, đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội và nền độc lập, tự do giành lại được bằng xương máu của hàng triệu anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh sẽ trở nên vô nghĩa. Cho nên, cần hiểu một cách biện chứng rằng, độc lập, tự chủ về kinh tế là nền tảng vật chất vững chắc nhất để bảo đảm cho độc lập, tự chủ về chính trị; không bao giờ có độc lập, tự chủ về chính trị nếu bị phụ thuộc về kinh tế, bị người khác chi phối, giật dây, sai khiến.
Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ ở nước ta không có nghĩa là “đóng cửa”, chỉ chăm lo xây dựng một nền kinh tế tự cung, tự cấp, khép kín, không cần quan hệ với ai, tự ta “một mình một chợ”, tách biệt với thế giới bên ngoài cho “an toàn” như một số người đã suy nghĩ và kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh hiện thời, làm như thế là chúng ta tự cô lập mình, là sự phòng vệ thụ động, tiêu cực, không chắc chắn, không hiệu quả. Một mặt, chúng ta không biết kế thừa, sử dụng những thành tựu, tinh hoa văn hóa, khoa học, công nghệ mà nhân lọai đã sáng tạo ra để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mặt khác, chúng ta sẽ mãi mãi nằm trong thế bị kẹt, bị bao vây, cấm vận, phong tỏa do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch gây nên từ nhiều thập kỷ trước đó và chúng đang nuôi hy vọng tiếp tục thực hiện ở Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng, cho đến tận ngày nay, chưa có nước nào tồn tại biệt lập mà có nền kinh tế năng động, phát triển bền vững, quốc gia, dân tộc đi đến phồn vinh, con người phát triển toàn diện, hạnh phúc. Bài học lịch sử và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực, cho phép Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vững bước khai thông con đường mở cửa, hội nhập quốc tế để thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ở nước ta, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế không mâu thuẫn với nhau, nếu đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa để xem xét, luận bàn. Bởi lẽ, cả hai chủ trương - đối sách của Đảng, Nhà nước ta đều phục vụ một mục đích là lợi ích quốc gia, dân tộc và xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong phát triển kinh tế - xã hội thì nguồn nội lực bao giờ cũng mang ý nghĩa quyết định, các nguồn ngoại lực là quan trọng. Nếu kết hợp hài hòa hai nguồn nội lực và ngoại lực thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và hiệu quả đạt được từ quá trình ấy sẽ vô cùng to lớn, nhưng nếu tách riêng từng lĩnh vực, từng nguồn lực thì công dụng, hiệu quả của từng lĩnh vực, từng nguồn lực sẽ rất thấp. Vì vậy, chỉ có thể tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế khi chúng ta kết hợp hài hòa các yếu tố nội lực và ngoại lực; làm cho các yếu tố nội lực, nhất là nguồn nhân lực, nguồn vật lực, tức là sản phẩm hàng hóa được nâng cấp, hiện đại hóa, có đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập, và ngược lại, các yếu tố ngoại lực, khi đã nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, chúng sẽ phát huy tác dụng, là tăng thêm sức sống cho nền kinh tế từ việc bổ sung kịp thời nguồn vốn, thông tin, các thành tựu khoa học, công nghệ, kinh nghiệm điều hành, quản lý để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm hàng hóa tạo ra. Rõ ràng là, hai chủ trương - một đối sách mà Đảng, Nhà nước ta nêu trên không chỉ giống nhau về mục đích, con đường, bước đi mà còn tương đồng về điều kiện, giải pháp thực hiện nhằm tăng thêm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, tăng sức nội sinh và sức đề kháng của nền kinh tế, giúp chúng ta tự tin, vững vàng tham gia hội nhập với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đối với nước ta, độc lập, tự chủ về kinh tế cũng có nghĩa là bảo đảm  chắc chắn định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống dân tộc Việt Nam mà chúng ta đã chắt chiu, dành dụm từ hàng ngàn năm đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bằng sự khôn ngoan và tỉnh táo của mình, chúng ta hãy ra sức xây dựng và bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ, làm cho nó sinh sôi, nảy nở, đơm hoa, kết trái trên cơ sở phát huy tối đa mọi tiềm năng sẵn có. Trách nhiệm của mỗi công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thực hiện tốt các yêu cầu, nguyên tắc cơ bản về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Đương nhiên, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ là một quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài, chúng ta không vì mong muốn là có ngay được những điều cần có mà nóng vội, đốt cháy giai đoạn; làm sai quy trình, vi phạm cam kết, luật pháp quốc gia và quốc tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở nước ta là một quá trình tự giác, nhất thiết phải kinh qua những bước đi tuần tự từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện với thái độ tích cực, chủ động, sáng tạo và có các chủ trương, chính sách, bước đi phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức đúng việc tiếp thu, kế thừa và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm về hội nhập quốc tế mà các nước hội nhập kinh tế quốc tế đã kinh qua cũng như nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của thời cuộc vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng, Nhà nước ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là thực hiện chủ định tạo ra thời cơ, vận hội mới với các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Và khi có được độc lập, tự chủ về kinh tế thì mới thật sự tự tin để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là điều căn bản nhất, cốt tử nhất trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc và đó cũng là đối sách mềm dẻo, năng động, sáng tạo để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức hiện nay.
 Có thể khẳng định rằng, những thành tựu, kinh nghiệm của gần 30 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước thời kỳ đổi mới. Những năm tới là giai đoạn kinh tế nước ta phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau thời kỳ suy giảm, cấu trúc lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xây dựng nông thôn mới; tinh giảm bộ máy nhà nước; thực hiện tốt hơn chính sách về đất đai; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây là nhân tố rất quan trọng củng cố và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bồi đắp ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vươn lên nắm bắt thời cơ, đẩy lùi thách thức, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong những thập niên tới.
Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại; một số khuyết điểm, yếu kém về ổn định kinh tế vĩ mô, về đầu tư phát triển, nợ công, nợ xấu, thiếu điện, chính sách đất đai, văn hóa, xã hội...chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn; hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, thực thi pháp luật chưa nghiêm. Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị - xã hội ở nước ta.
Tình hình và bối cảnh nêu trên sẽ tạo ra cả những thời cơ và thách thức mới, đan xen với nhau, có nhiều biến động phức tạp, công tác lý luận của Đảng cần thường xuyên theo dõi, dự báo để có chính sách phản ứng thích hợp nhằm tận dụng tốt thời cơ và đối phó có hiệu quả với những nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển đất nước từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét