Xây
dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu tất
yếu khách quan, là nội dung trọng yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam. “Quá trình ấy đòi hỏi phải dựa trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo
chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn đất nước
và những kinh nghiệm xây dựng Nhà nước Việt Nam hàng chục năm qua, có tính đến
kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới”[1].
Nhà nước pháp quyền, theo Hồ Chí Minh, trước
hết phải được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, bảo đảm tính tối cao của
pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là một nhà nước hoàn toàn
xa lạ với kiểu nhà nước cai trị nhân dân và quản lý xã hội bằng quyền hành pháp
của chính phủ, tùy tiện ra các sắc lệnh theo ý chí chủ quan, áp đặt và thuận
tiện cho sự cai trị của mình chứ không phải là xuất phát từ ý chí của nhân dân
được xây dựng thành luật, kiểu nhà nước mà trong đó, chính quyền tự cho phép
mình đứng trên pháp luật.
Từ
rất sớm, trong Yêu sách của nhân dân An Nam, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư
tưởng pháp quyền, Người đã yêu cầu: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng
cách cho người bản xứ cũng được hưởng những quyền bảo đảm về mặt pháp luật như
người Âu Châu... Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”[2]. Tiếp theo đó, khi diễn ca
bài Yêu sách của nhân dân An Nam thành Việt Nam yêu cầu ca,
Nguyễn Ái Quốc đã viết: “... xin hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần
linh pháp quyền”[3]
Tư
tưởng pháp quyền dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc và cụ thể ở yêu cầu
của nền dân chủ mà cho đến nay không phải nước nào và ai cũng hiểu và làm được
như vậy. Một nhà nước cai trị nhân dân, quản lý xã hội không phải bằng pháp
luật mà chỉ bằng các sắc lệnh, chỉ thị thì không thể gọi là nhà nước dân chủ,
một nhà nước với quyền lập pháp thuộc về quyền lực của nhân dân được. Năm 1926,
trong yêu sách gửi Hội Vạn quốc, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra yêu sách: “xây đắp một
nền hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội, theo những lý tưởng dân
quyền”[4], coi đó là một nội dung cơ
bản của nhà nước dân chủ và pháp quyền. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội
đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực
hiện hai việc quan trọng là tổ chức tuyển cử và ban hành hiến pháp. Người nói:
“Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp.
Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến
pháp dân chủ”[5]. Đồng thời, Hồ Chí Minh luôn
tâm niệm: một xã hội không thể sống một ngày không có pháp luật. Do đó, Người
đã ký một loạt sắc lệnh cấp bách về bảo đảm tự do cá nhân, bãi bỏ thuế thân,
tịch thu tài sản của thực dân và Việt gian, tổ chức tòa án và một loạt các sắc
lệnh cần thiết khác. Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên
đặt nền móng cho việc xây dựng một kiểu nhà nước mới - nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta.
Xuất
phát từ lợi ích của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu phải sử dụng pháp luật làm vũ
khí trừng trị thật nghiêm khắc những kẻ phạm tội, dù kẻ đó là ai, hiện đang nắm
giữ chức vụ gì. Trong Quốc lệnh năm 1946 do Người ký lệnh ban hành ghi rõ 10
điều phải xử tử nếu: thông với giặc, phản quốc; trái quân lệnh; ra trận tự ý
rút lui; tự ý phá hoại giao thông; phá hoại quân khí; để cho bộ đội hại dân; vô
cơ sát hại kiều dân ngoại quốc; trộm cắp của công; hãm hiếp, cướp bóc; can tội
bắt cóc, ám sát[6].
Trong “phép trị nước” của Hồ Chí Minh, “đức
trị”, “nhân trị” và “pháp trị” đều có vị trí quan trọng và phải kết hợp chặt
chẽ với nhau. Tư tưởng đức trị của Hồ Chí Minh thể hiện tập trung nhất ở tư
cách người cách mệnh, bao gồm 5 điều: “Trí, tín, nhân, dũng, liêm”. Người chỉ
rõ: “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc
to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu
xa thì còn làm nổi việc gì”[7]. Theo Hồ Chí Minh,
muốn trị nước, trước hết người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “tu thân”. Không
tu thân thì không thể “bình” được thiên hạ. Trong đức trị, Hồ Chí Minh tối kỵ
sự lắt léo về chính trị và tư tưởng. Người luôn căn dặn cán bộ: “Việc gì cũng
phải công bình chính trực, không nên vì tư tâm, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”.
Đem lòng nhân đức, điều hơn lẽ thiệt mà giảng giải cho người để người “quy
thuận”, “cải tà quy chính” đã trở thành phép xử thế của Hồ Chí Minh; chúng ta
rất cần phải học tập và làm theo.
Trong quan niệm về Nhà nước pháp quyền của Hồ
Chí Minh có sự thống nhất biện chứng giữa đạo đức và pháp luật. Từ xưa tới nay, “đức trị” (hay
“nhân trị”) và “pháp trị” vốn là hai dòng tư tưởng, hai khuynh hướng trong văn
hóa trị nước của nhân loại. Hai cách thức này có khi đối lập và đấu tranh với
nhau, nhưng lại thường xuyên tác động và bổ sung cho nhau trong thực tế trị
nước của nhà cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực của sự kết hợp hài
hòa và hợp lý “đức trị” và “pháp trị”, luôn chú trọng xây dựng một nền pháp lý
vững mạnh ở Việt Nam, trong khi không sao lãng sự nghiệp giáo dục, rèn luyện
đạo đức cách mạng cho nhân dân và cán bộ. Ngày nay, tư tưởng của Người về sự
kết hợp biện chứng giữa “đức trị” và “pháp trị” tiếp tục soi sáng chúng ta trên
con đường xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo Người,
một chính quyền mạnh và sáng suốt phải là một nhà nước pháp quyền của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân
Trong
quá trình khảo sát thực tế và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh đã đúc kết được
những bài học hết sức quý báu về kinh nghiệm xây dựng chính quyền nhà nước.
Tổng kết về cách mệnh Mỹ, Người viết: “Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng:
“Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm
ăn cho sung sướng... Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng
phải đạp đổ chính phủ ấy đi, và gây lên chính phủ khác... ”. Nhưng bây giờ
Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến cách mệnh, ai đụng đến chính phủ! Mỹ
tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cực khổ,
vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư
bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi. Chúng ta đã hy sinh
làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cho cách mệnh rồi thì
giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy
sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[8].
Tổng
kết về cách mệnh Pháp, Người viết: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa
là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ
thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh
đã 4 lần rồi mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng
thóat khỏi vòng áp bức. Cách mệnh Việt Nam nên nhớ những điều ấy”[9].
Truyền
bá tư tưởng của V.I.Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười tới những thanh niên
trí thức yêu nước Việt Nam, Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có
cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được
hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả
dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên Việt Nam... Cách mệnh Nga dạy
cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm
gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói
tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và V.I.Lênin”[10]. Tóm lại, với sự kiện năm
1920, đọc được Luận cương của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã có một sự lựa chọn
mang tính cách mạng về con đường cách mạng, về nền tảng tư tưởng và mô hình nhà
nước cho cách mạng Việt Nam. Người lựa chọn kiểu nhà nước Xôviết, vận dụng sáng
tạo vào Việt Nam, Người khẳng định mô hình nhà nước của nhân dân, do nhân dân,
vì nhân dân. Kết tinh của sự vận dụng sáng tạo nói trên là ở bản Tuyên Ngôn độc
lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã
khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở
Đông Nam Á.
Tư tưởng về xây dựng một chính quyền mạnh và
sáng suốt là
tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được đúc kết và thể hiện rất rõ
trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 do Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Bộ
máy nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hướng vào các tiêu chuẩn: có
một chính sách bầu cử phổ thông đầu phiếu trên cơ sở của tự do ứng cử và bầu
cử; một Quốc hội lập hiến và lập pháp rộng rãi, đại diện cho tiếng nói của quốc
dân; một bộ máy nhà nước được phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các
bộ phận, nhất là ở cấp trung ương; một hệ thống chính quyền nhân dân địa phương
và tính độc lập của Hội đồng nhân dân và bộ máy hành chính, đứng đầu là chính
phủ; một nền hành chính mạnh, tập trung, vô tư và khách quan, hết lòng phục vụ
nhân dân; một nền tư pháp với nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán, thực
hiện công bằng và bình đẳng xã hội; một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả
trong xét xử do nhân dân thực hiện.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2001, tr. 131
[2]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1995, tr. 435.
[3] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
438.
[4] Tư
liệu Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam, ký hiệu HI.G.1.
[5] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 8.
[6] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.
163-164.
[7] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 253.
[8]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2000, tr. 270.
[9] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.
274
[10]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.
280
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét