Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 - PHO SỬ VÀNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM



Sau khi ký Hiệp định Pari về Việt Nam, Mỹ và các nước phụ thuộc buộc phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29-3-1973; song đế quốc Mỹ không hề từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, mà vẫn tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm “công cụ phục thù”, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, áp dụng chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam với chính sách “Người Việt trị người Việt”, biến miền Nam Việt Nam thành một nước với “chế độ quốc gia” thân Mỹ, có lợi cho Mỹ, mà thực chất là biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, là “sân sau” của Mỹ và đồng minh. Vì vậy, bằng mọi cách, Mỹ, Ngụy ra sức gây hấn, lấn chiếm vùng giải phóng của ta với dã tâm tiêu diệt Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đánh phá miền Bắc, đưa nước ta về “thời kỳ đồ đá”.
Để thực hiện mục tiêu đã định, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ tiền của, vũ khí, trang bị quân sự, phương tiện chiến tranh cho ngụy quyền Sài Gòn. Chỉ tính riêng năm 1973, Mỹ đã viện trợ cho ngụy 2.670 triệu dollar, 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép, bổ sung vật tư dự trữ chiến tranh hơn 2 triệu tấn. Đồng thời, ráo riết bắt lính, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân bằng cách dồn dân lập ấp, cắt đứt các mối quan hệ giữa nhân dân với du kích và bộ đội ta. Vì vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, số lượng phòng vệ dân sự đã tăng lên 1,5 triệu người, hơn 20% sĩ quan đã được đưa xuống “nằm vùng”, trực tiếp chỉ huy xã, phường, thị trấn.
Cậy vào sức mạnh và sự viện trợ của Mỹ, quân ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét, đốt phá “hủy diệt”, tàn sát đẫm máu đồng bào, chiến sĩ ta. Trong năm 1973, ngụy quyền Sài Gòn đã tiến hành gần 10 nghìn cuộc tiến quân càn quét, lấn chiếm vùng tranh chấp từ cấp tiểu đoàn trở lên cùng với 350 nghìn cuộc hành quân cảnh sát - bình định trong vùng chúng kiểm soát để duy trì lực lượng răn đe của Mỹ ở các vùng phụ cận Việt Nam, nhất là ở Lào và Campuchia. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, các “chiến dịch xuyên tạc, bóp méo sự thật” để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam, giành lại ưu thế chiến trường. Trước tình hình ấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên quyết đấu tranh, buộc Mỹ và các bên liên quan phải nghiêm túc thực hiện Hiệp định Pari, gìn giữ hòa bình, gây dựng lại và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chống trả lại sự tráo trở, hành động can thiệp trắng trợn của không quân và hải quân Mỹ khi ngụy quyền Sài Gòn lâm vào tình thế khốn cùng, đứng trước nguy cơ bị ta tiêu diệt.
Từ giữa năm 1973, Mỹ trắng trợn tuyên bố sự ủng hộ và không ngừng “nhúng tay” trực tiếp chỉ đạo quân ngụy lấn chiếm, bình định và điên cuồng đánh phá khắp miềm Nam hòng xóa sạch các vùng giải phóng của ta, gây cho ta những tổn thất nặng nề. Tháng 7 năm 1973, tại Hội nghị Trung ương lần thứ XXI, Đảng ta phát hiện một số nhược điểm đã mắc phải từ sau Hiệp định Pari như phong trào chính trị trong nhân dân còn yếu, đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận chưa đủ mạnh, vùng giải phóng chưa được củng cố vững chắc, lực lượng vũ trang chưa phát triển cân đối; bộ đội địa phương và dân quân du kích có mặt còn yếu...Từ đó, Đảng ta khẳng định, cách mạng miền Nam vẫn phải tiếp tục con đường bạo lực; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, ta đều phải nắm chắc thời cơ, kiên định mục tiêu, đường lối chiến lược tiến công để thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tại Hội nghị này, Đảng ta nhấn mạnh kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam vẫn là đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Đế quốc Mỹ vừa là kẻ chủ mưu, vừa là chỗ dựa “hậu thuẫn”của bọn tay sai ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn. Do đó, việc cần kiếp phải làm cho được là đánh đổ tập đoàn thống trị tay sai của Mỹ: ngụy quyền Sài Gòn. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam là đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao; thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thách thức, vững vàng tiến lên. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ XXI, Đảng ta còn xác định một số nhiệm vụ cấp bách với nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện đường lối và chủ trương đã vạch ra, đó là: 1. Nắm giữ lực lượng vũ trang; 2. Ra sức giành dân và giành quyền làm chủ của nhân dân; 3. Đẩy mạnh công tác binh vận; 4. Đẩy mạnh đòn tiến công ở thành thị; 5. Ra sức xây dựng và củng cố vùng giải phóng; 6. Tăng cường công tác mặt trận; 7. Đẩy mạnh công tác ngoại giao; 8. Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị, ...
 Có thể khẳng định Nghị quyết Trung ương XXI là văn kiện lịch sử mang dấu ấn là cột mốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong thời kỳ kết thúc chiến tranh, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam; là cơ sở lý luận - thực tiễn đặc biệt quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương, tháng 3/1974 đề ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt trên cả ba vùng chiến lược; góp phần quyết định nhanh chóng và chính xác việc xoay chuyển hẳn tình thế, cục diện chiến trường miền Nam có lợi cho ta.
Đến giữa năm 1974, trên toàn miền Nam, ta đã xóa được 3.600 đồn bốt, giải phóng thêm 850 ấp với 115 vạn dân. Miền Bắc vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng cường sức người, sức của vào miền Nam nhiều hơn bất kì thời gian nào trước đó. Ta càng đánh, ngày càng mạnh; ngụy ra sức chống đỡ và ngày càng suy yếu rõ rệt; nước Mỹ lâm vào tình cảnh khủng hoảng trầm trọng.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó đã xuất hiện thêm một số khó khăn mới đối với cách mạng Việt Nam: cả Trung Quốc và Liên Xô đều chấm dứt viện trợ cho ta; Liên Xô chưa muốn ta đẩy mạnh ngay chiến tranh giải phóng miền Nam, còn Trung Quốc muốn giữ nguyên hiện trạng để có điều kiện mặc cả với Mỹ[1]. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp nhiều lần để thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Về chiến lược, Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975-1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 là làm cho quân đội ta lớn mạnh vượt bậc, đủ sức hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó. Nếu thời cơ đến sẽ mở nhiều đợt tấn công nổi dậy, làm cho địch suy yếu nhanh chóng, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong năm 1976; đánh lớn, đánh nhanh, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, sớm giành thắng lợi cuối cùng.
Ngoài kế hoạch cơ bản trên, ta còn dự kiến một phương án khác: Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đây không chỉ là quyết tâm chiến lược mà còn là sự sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị cuộc Tổng tiến công trong thời kỳ kết thúc chiến tranh cũng như sau này, trong điều hành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Chiến thắng giòn giã và việc giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long đầu năm 1975 cho thấy: quân ngụy đã suy yếu nghiêm trọng, còn quân Mỹ không thể quay trở lại miền Nam Việt Nam. Chính điều này đã củng cố thêm ý chí quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà Đảng ta đã dự kiến năm 1974.
Trước tình thế thời cuộc thay đổi từng ngày, thế và lực của ta không ngừng lớn mạnh, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược từ ngày 4/3/1975, bằng ba đòn chiến lược: chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự kiện ngày 4/3/1975 đã làm Mỹ, ngụy bàng hoàng, sửng sốt: ta nổ súng tấn công một số mục tiêu trọng yếu ở Pleiku để nghi binh tạo thế cho Chiến dịch Tây Nguyên. Rạng sáng 10/3, ta đánh Buôn Mê Thuột, mở cửa đột phá, khai màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi to lớn trên chiến trường Tây Nguyên. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp, kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Cùng khoảng thời gian đó, ta bắt đầu tiến công ở Trị - Thiên và khu V. Đến 21/3, ta phát triển thành chiến lược tiến công Huế - Đà Nẵng và giải phóng Huế ngày 26/3. Với thắng lợi như “chẻ tre” trên chiến trường Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, ngày 25/3, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Đến 29/3, ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng và 5 tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến ngày 03/04, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung. Ngày 1/4/1975, căn cứ vào sự tấn công dồn dập và thắng lớn của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể chậm chễ.
Ngày 9/4/1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc, Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ với việc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, mở một chiến dịch tấn công quy mô nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam gồm 4 quân đoàn và một số đơn vị tương đương quân đoàn. Ngày 26/4/1975, ta bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11h30 ngày 30/4/1975, gây chấn động cực kỳ dữ dội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, ba nước Đông Dương và thế giới. Trong hai ngày 30/4 và 1/5 năm 1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân địch và giải phóng hoàn toàn các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Đó là kết quả của hơn 21 năm dài đằng đẵng quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không tiếc máu xương, không sợ hy sinh, gian khổ, đã kiên trì, kiên định, kiên quyết và anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa giang sơn gấm vóc về một mối; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.



[1] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi và bài học, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr.91

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét