Bác Hồ đặc biệt coi trọng tự phê
bình và phê bình. Tư tưởng của Bác về tự phê bình và phê bình là một trong
những nội dụng cơ bản, có đóng góp quan trọng trong bảo vệ và phát triển lý
luận Mác - Lênin; là nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng
mácxít - lêninnít, là vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh chống chủ nghĩa cơ
hội, xét lại và các tiêu cực xã hội.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”
viết năm 1927, lần đầu tiên, Bác Hồ nói về tư cách người cách mạng với vấn đề
tự phê bình và phê bình, hàm chứa những nội dung giáo dục và định hướng cách
mạng sâu sắc. Bác luôn là người mẫu mực về tự phê bình và phê bình, coi tự phê
bình và phê bình là động lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển của mỗi người, mỗi
tổ chức. Bác yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, không kể chức vụ, cấp bậc; không
phân biệt người tuổi cao hay còn trẻ tuổi, đều phải tự nhận thức, tự đánh giá,
hiểu đúng mạnh yếu của bản thân mình, từ đó mà “cả quyết sửa lỗi của mình…có
lòng bày vẽ cho người…hay xem xét người”1.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác quan niệm:
“Phê bình là nêu yêu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là
nêu yêu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi
với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn nhau và giúp nhau sửa chữa khuyết
điểm”1.
Với cách diễn đạt giản dị, ngắn gọn và súc tích, Bác đã đưa ra khái niệm: tự
phê bình và phê bình một cách rõ ràng, chính xác cả về mục đích, tính chất và
nội dung. Theo Bác, tự phê bình phải đi đôi
với phê bình. Hai mặt này phải kết hợp chặt chẽ, thống nhất với nhau, không thể
tách rời nhau; không nên thiên vị, khuyếch đại một mặt nào. Trong mối quan hệ
biện chứng này, tự phê bình được coi là tiền đề, là cơ sở cho phê bình. Người
nói: “trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê
bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau”2.
Bác căn dặn: “Nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ
chuyên nói cái xấu là lệch”3. Do vậy, xem xét, đánh giá sự vật, hiện
tượng, nhất là đánh giá con người phải đặc biệt thận trọng. Mục đích của tự phê
bình và phê bình là để tổ chức đảng trong sạch vững mạnh hơn, mỗi người tốt
hơn. Vì vậy, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”;
sao cho sau khi được phê bình, tình đồng chí đồng đội tốt hơn, đoàn kết chặt
chẽ hơn. Cho nên tự phê bình và phê bình đúng mực, chỉ ra được mặt ưu điểm và
cả mặt khuyết điểm, các mặt ấy “có lý có tình”, phù hợp với thực tiễn cuộc sống
và tâm lý con người; làm cho người ta “tâm phục khẩu phục”, thấy ưu điểm là
đúng, vui vẻ hơn, phán chấn hơn, làm việc tốt hơn; đồng thời, thấy khuyết điểm
cũng là đúng nên cũng vui vẻ, thoải mái nghe, tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm để
tiến bộ. Không nên “yêu thì nói tốt ghét thì nói xấu”, “bằng mặt nhưng không
bằng lòng”; không nên tô hồng, bôi đen hiện thực khách quan, nói sai, phản ánh
sai lệch sự thật. Bác dạy rằng, tự phê bình và phê bình là nhằm phát huy mặt
tốt, khắc phục mặt xấu, giúp cho suy nghĩ, nhận thức, hành động đúng hơn, phục
vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng. Không nên dùng tự phê bình và phê bình để
phê phán, chỉ trích, miệt thị nhau; làm cho người ta “mất mặt”, làm nhục tinh
thần, thể xác con người theo nghĩa “vùi dập nhau”, “triệt hạ nhau”; bất luận vì
lý do gì thì đều không nên “giận cá chém thớt”. Theo Bác, khi tự phê bình và
phê bình “phải vạch cả ưu điểm và khuyết điểm…phê bình việc làm chứ không phải
phê bình người” ”4. Trong
mọi lúc, cái tâm của người phê bình phải sáng, cái đức phải cao; tự phê bình và
phê bình sẽ kém hiệu quả nếu thiếu cái tâm, cái đức hoặc cái tâm, cái đức không
trong, không sáng; lờ mờ.
Trong hoạt động thực tiễn,
dưới bất cứ hình thức nào, công việc nào cũng đều có mâu thuẫn. Phương pháp
giải quyết mâu thuẫn đạt hiệu quả cao nhất, theo Bác, là tự phê bình và phê
bình; bởi vì, đã là người cộng sản, dứt khoát không được che đậy, giấu giếm
khuyết điểm mà cần công khai phê bình khuyết điểm ấy. Bác viết: “luôn luôn dùng
và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình thì khuyết điểm hết dần, ưu điểm nhất
định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”1. Bác
cho rằng, “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm
của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch
rõ những cái đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để
sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân
chính”2.
Rõ ràng, đối với Đảng, đối với mỗi cán bộ, đảng viên,
tự phê bình và phê bình là “liều thuốc quý”, có tác dụng chữa và cắt được bệnh,
đồng thời, bồi bổ, làm người ta phấn chấn, tăng thêm sức khỏe” để phục vụ cách
mạng, phụng sự nhân dân. Vì lẽ đó, tự phê bình và phê bình cần cho tất cả mọi
người ví như họ cần không khí để thở, nước để uống, để rửa mặt, làm vệ sinh
hàng ngày. Bản chất tự phê bình và phê bình là giải quyết mâu thuẫn nội bộ
Đảng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong nhân dân, làm cho Đảng
trong sạch vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng, đưa nó đi đến bến
bờ thành công. Tự phê bình và phê bình đã được ghi thành chế độ, quy định chặt
chẽ trong Điều lệ Đảng, đảm bảo tính pháp lý để mọi tổ chức đảng, mọi cán bộ,
đảng viên, bất kể là ai, đều phải chấp hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc.
Rõ ràng, quan niệm của Bác về
tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển, là nguyên tắc và là
chế độ sinh hoạt Đảng hoàn toàn không có gì mâu thuẫn mà thống nhất, có quan hệ
chặt chẽ với nhau. Theo Bác, tự phê bình và phê bình còn là một trong những
tiêu chí quan trọng để phân biệt Đảng Cộng sản với các đảng cơ hội, xét lại,
cải lương. Xa rời tự phê bình và phê bình là xa rời bản chất Đảng, là nguy cơ
gây ra tình trạng trì trệ, bảo thủ, là chỗ dựa vững chắc của sự tồn tại những
khuyết điểm, sai lầm, yếu kém, của sự chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng,
tạo kẻ hở để những kẻ xu nịnh, thoái hoá, biến chất tồn tại; bọn cơ hội, xét
lại chui vào Đảng, thậm chí, thao túng, lũng đoạn, làm cho Đảng biến chất, thoái
hoá, mất sức chiến đấu. Vì vậy, tự phê bình và phê bình vừa là hành động cách
mạng vừa là một nghệ thuật vừa mang tính khoa học cao. Việc phê bình, xem xét,
đánh giá, chỉ rõ đúng sai nhất thiết phải bảo đảm tính trung thực, khách quan
và công khai; phải phân tích kỹ lưỡng điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân khách
quan, chủ quan tạo nên ưu điểm, dẫn đến khuyết điểm; tức là “nói có sách, mách
có chứng”; có như vậy, ý kiến đống góp, phê bình mới chính xác, có sức thuyết
phục cao.
Vì thế, Bác luôn coi trọng và
đề cao tính dân chủ, công khai trong sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình.
Bác cho rằng, “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín
của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực
hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”1; còn nếu như sợ mất thể diện, mất uy
tín, mất địa vị khi thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình là một chứng
bệnh cần khắc phục. Vì vậy, Bác luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải nâng cao
giác ngộ tư tưởng, ngăn ngừa tự đại, tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình,
vui vẻ tiếp thu lời phê bình của người khác”2.
Vì vậy, Bác thường dạy rằng, cán bộ, đảng viên, nhất
là người chủ trì đơn vị, chủ trì hội nghị phải “khéo” sử dụng “vũ khí” tự phê
bình và phê bình. Theo Bác, “khéo” sử dụng “vũ khí” tự phê bình và phê bình
trong sinh hoạt Đảng có nghĩa là biết dùng nghệ thuật để quan hệ, ứng xử sao
cho thấu lý, đạt tình, công việc chung, riêng đều tốt, đạt hiệu quả. Thiết
nghĩ, học tập Bác Hồ về tự phê bình và phê bình để “sửa mình, hiểu người” là
việc rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay; có như vậy mới giữ
vững kỷ cương, nền nếp, chế độ quy định, kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước;
nhờ đó, mỗi cán bộ, đảng viên và đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét