Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với vấn đề nhận thức bản chất của kẻ thù, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng của nhân dân ta


(ĐCSVN) - Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”… 
Tại sao thực dân Pháp lại “quyết tâm cướp nước ta lần nữa”? Họ cố tình quay trở lại xâm lược Việt Nam nhằm mục đích gì? Phải chăng đó là hành động tự phát, nhất thời? Không! Điều đó hoàn toàn không phải là tự phát, càng không phải là ý muốn chủ quan của một cá nhân nào đó trong giới cầm quyền “chóp bu” của Chính phủ Pháp mà là “ý thức hệ” của giai cấp tư sản Pháp, chủ nghĩa thực dân Pháp được thể hiện bằng một kế hoạch đã được vạch sẵn, có các “bước đi và lộ trình rõ ràng”, được khởi đầu từ giữa thế kỷ XIX, khi quân Pháp lần đầu tiên đặt gót giày xâm lược lên đất nước ta ở cảng Đà Nẵng và đến thời tướng Đờ Gôn, khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, thì kế hoạch này đã được Đờ Gôn điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện. Ông ta tuyên bố rằng: Phải đứng về phía Đồng Minh chống phát xít để cứu nước Pháp. Kế hoạch cứu và phục hưng nước Pháp trở thành “mệnh lệnh” không chỉ thôi thúc Đờ Gôn và những người đứng đầu Chính phủ Pháp xích lại gần các nước Đồng minh là Anh, Mỹ với những cái bắt tay “thân mật”, để rồi tạm gác hoặc “quên đi” những hận thù, những hiềm khích vốn có trong lịch sử để lo việc lớn mà còn bừng sáng tia hy vọng ở Đờ Gôn: Bành trướng sang châu Á, nhanh chóng áp đặt nền thống trị ở Đông Dương, mở rộng khai thác thuộc địa để bù đắp cho sự thiếu hụt tài sản do chi phí cho chiến tranh quá lớn và sự khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước Pháp. Vì vậy, từ năm 1943, khi cuộc chiến chống quân phát xít bắt đầu mở rộng thì trong tay Đờ Gôn đã có sẵn một bản kế hoạch chi tiết “trở lại Đông Dương”, tiếp tục thực hiện mưu đồ “khai hoá” Việt Nam, truyền bá “văn minh người Pháp” cho xứ này. 

Rõ ràng, việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa đã nằm trong kế hoạch của Đờ Gôn và Chính phủ Pháp, nó bộc lộ rõ bản chất và bộ mặt thật của thực dân xâm lược hiếu chiến: muốn đặt ách thống trị và áp bức lên đầu, lên cổ nhân dân ta, biến nước ta thành thuộc địa - nơi cung cấp các nguyên vật liệu cần thiết để làm giàu cho chúng. Ở đây, có một số vấn đề đặt ra cần làm sáng tỏ là, để nhanh chóng thực hiện mưu đồ: “hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng phục hưng nước Pháp”, tại sao kẻ thù lại không lựa chọn các nước khác để xâm lược và biến các nước đó làm thuộc địa của mình một cách dễ dàng hơn, mà lại lựa chọn và tiến hành xâm lược Việt Nam, dù chúng biết rằng xâm lược và thôn tính dân tộc này sẽ rất khó khăn. Việt Nam là một dân tộc vốn có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, rất yêu chuộng hoà bình và thiết tha với độc lập, tự do. Vậy thì, điều gì khiến thực dân Pháp phiêu lưu, mạo hiểm ? Phải chăng họ quá tin vào sức mạnh của đội quân xâm lược với đầy đủ vũ khí tối tân hiện đại nhất nhì thời đó sẽ giúp họ sớm đè bẹp sự phản kháng của Việt Nam? Phải chăng, khi nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người tiền nhiệm họ đã tìm thấy bài học kinh nghiệm để có thể không lặp lại những thất bại thảm hại mà những người đi trước đã mắc phải? 
Luận giải các vấn đề nêu trên sẽ có nhiều đáp án khác nhau, tuỳ theo cách nhìn nhận của mỗi người, mỗi thế hệ. Song, dù luận giải thế nào thì thực tế sau đây không ai có thể bác bỏ: Đem quân đi xâm lược Việt Nam và Đông Dương từ năm 1858 và lại quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương lần thứ 2 sau năm 1945, hẳn là giới cầm quyền “chóp bu” trong Chính phủ Pháp đã phải cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng. Với nền khoa học, kỹ thuật phát triển và những “bộ óc tầm cỡ quốc tế”, “có tri thức bách khoa thư”, họ thừa sức hiểu rõ cái được, cái mất, cái lợi, các hại khi tiến hành xâm lược Việt Nam. Trong sự tính toán đó, họ luôn tự đắc ý là cuối cùng sẽ nắm chắc phần thắng trong tay, còn việc để cho Việt Nam giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 chỉ là sự cố “sai sót nhỏ” do điều kiện lịch sử “khách quan” tạo ra. Vì vậy, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là để “sửa lại” những “sai sót nhỏ” không đáng có bởi sự “sơ suất” mà họ mắc phải. Thực chất điều này là gì? Đằng sau những lời hoa mỹ ấy cần phải hiểu như thế nào cho đúng? Ai cũng biết rằng, đem quân đi xâm lược Việt Nam không phải là “một cuộc dạo chơi” của thực dân Pháp mà thực chất là chúng triển khai thực hiện những ý đồ đã định sẵn vì lợi ích của nước Pháp nhằm củng cố và không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của một cường quốc về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học và quân sự trên trường quốc tế. Đúng vậy! Sau hơn 20 năm tiến hành những cuộc hành binh man rợ, tàn sát đẫm máu những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta, thực dân Pháp mới áp đặt được ách thống trị trên đất nước Việt Nam. 
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Pháp tuy là một nước thắng trận, nhưng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế rơi vào tình trạng đình dốn, kiệt quệ. Thực dân Pháp đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam, một mặt là nhằm khai thác được nhiều hơn kho tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân công rẻ mạt; mặc khác, chúng muốn nắm thật chặt thị trường Việt Nam để điều tiết thị trường Lào và Campuchia. Có thể khẳng định rằng, lợi ích kinh tế là một trong những mục đích chủ yếu, xuyên suốt, và là động lực cơ bản nhất thôi thúc thực dân Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam và Đông Dương, với ý đồ biến mảnh đất này thành thuộc địa để nuôi dưỡng, làm giàu cho chúng. Vì thế, chúng bất chấp đạo lý, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngang ngược thực hiện kế hoạch xâm lược Việt Nam. 
Nếu không phải là vậy thì tại sao thực dân Pháp lại đeo đuổi mục đích và bằng mọi cách để quay lại xâm lược Việt Nam, thôn tính Việt Nam sau năm 1945? Chúng ta biết rằng, trước 1858 giữa Việt Nam và Pháp chưa có mối quan hệ ngoại giao, hai dân tộc hoàn toàn không có thù hận, vướng mắc nào. Việc thực dân Pháp tự cho mình là “văn minh”, đi “khai hoá” cho Việt Nam chỉ là cái trò lừa bịp để đem quân xâm lược Việt Nam, nhằm mục đích mở rộng thuộc địa, đặt ách thống trị ở Việt Nam và Đông Dương, khai thác, vơ vét càng nhiều càng tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công rẻ mạt phục vụ cho sự phát triển của giai cấp tư sản Pháp. Điều này đã quá rõ ràng. Việc quân Pháp quay trở lại Việt Nam sau năm 1945 thực chất là sự tiếp tục theo đuổi mục đích xâm lược của họ trước đây. Bản chất, âm mưu xâm lược Việt Nam của kẻ thù không hề thay đổi, có chăng chỉ là sự thay đổi các thủ đoạn và biện pháp xâm lược mà thôi. 
Vào những năm 1945-1946, Đức, ý, Nhật lần lượt bị đánh bại, các nước Đồng Minh đã cứu loài người ra khỏi thảm hoạ phát xít; các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt ra đời. Anh, Pháp trong phe Đồng Minh, tuy thắng trận nhưng kiệt quệ về kinh tế, quân sự, vị thế cường quốc của họ bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc đó, Mỹ đã vươn lên cầm đầu phe tư bản chủ nghĩa. Chính phủ Mỹ, từ chỗ ngăn cản Pháp trở lại Đông Dương trong thời kỳ Tổng thống Rudơven với ý đồ tranh giành ảnh hưởng của Pháp ở vùng này, dần dần đi đến chỗ ủng hộ Pháp trở lại thuộc địa cũ. Trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng: Thứ nhất, trong khối Đồng Minh, Mỹ và Anh đều ủng hộ Pháp; thứ hai, Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp; thứ ba, cả Mỹ, Anh và Pháp đều muốn xoá bỏ nhà nước dân chủ đầu tiên ở khu vực này, đồng thời bảo vệ, củng cố hệ thống thuộc địa đang có nguy cơ tan rã; thứ tư, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam mới ra đời còn rất non trẻ, nền kinh tế suy kiệt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Vì vậy, vào thời điểm đó, tiến hành xâm lược Việt Nam, Pháp hy vọng sẽ nhanh chóng đánh đổ chính quyền cách mạng, giành thuộc địa. Pháp xem đây không chỉ là việc quay trở lại “lãnh địa” cũ của mình mà còn là để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và phong trào chủ nghĩa xã hội ở khu vực này. Tóm lại, bản chất, âm mưu và chính sách xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp trước sau là nhất quán, vì lợi ích kinh tế và chính trị của họ. 
Vậy là, thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ và bất cứ lực lượng nào, hễ đem quân xâm lược nước ta, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta, gây đau thương, tang tóc cho nhân dân ta thì đều là kẻ thù của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, đều là hiểm hoạ của sự tiến bộ xã hội và nền hoà bình thế giới. Chừng nào còn tồn tại chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc thì chừng ấy nhân dân ta và cả loài người vẫn còn nguy cơ chiến tranh, tội ác và đau khổ. Vì vậy, “chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Chỉ khi nào tiêu diệt được chủ nghĩa thực dân, đế quốc thì chúng ta mới xoá bỏ được nguy cơ chiến tranh, tệ nạn người áp bức, bóc lột người, lúc đó loài người mới thật sự có tự do, hạnh phúc. Thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới hiện đại đã chứng minh điều này. Cho nên ai đó còn đang tin vào lòng tốt, sự nhân từ, “bác ái”, “văn hoá, văn minh” của quân “ăn cướp”, bè lũ thực dân, đế quốc và tay sai của chúng thì hãy đọc lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng loạt các tác phẩm khác của Người viết trong giai đoạn này. Đọc và suy ngẫm từ những trang sách đó, kiểm nghiệm qua thực tiễn đánh giặc giữ nước của dân tộc mỗi người trong chúng ta sẽ nhận ra sự thật, để biết phải trái, đúng sai, hiểu rõ hơn bạn, thù, tăng thêm ý thức tự tôn dân tộc, thêm tự hào vì mình là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, nhìn rõ và lường trước mọi việc có thể xảy ra, sẵn sàng làm tròn bổn phận công dân của mình, quyết “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - nơi tổ tiên mình đã sống, nơi mình đã sinh ra, lớn lên và trở thành con người . 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét