(ĐCSVN) - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị nước ta nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 đã kế thừa những giá trị khoa học về nội dung trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành một chương (Chương 4) để hiến định. Với 5 điều, từ điều 69 đến điều 73; Dự thảo thể hiện cô đọng, chính xác, đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi nhất về bảo vệ Tổ quốc: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Nội dung này đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, nhất trí trong góp ý kiến của mình. Tuy nhiên, đã và đang còn một số ý kiến băn khoăn về điểm này, điểm khác trong Chương 4, thậm chí có ý kiến còn kiến nghị “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị”. Thiết nghĩ, cho dù là ai và với động cơ chính trị gì, thì quan điểm đó chỉ là thiểu số và nó hoàn toàn đi ngược lại xu thế chung, thực sự lạc lõng trước dòng đời, trước công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Lý luận và thực tiễn tổ chức hoạt động quân sự, xây dựng nhà nước và quân đội trong lịch sử nhân loại đã chứng minh và khẳng định rằng, không có quân đội nào đứng ngoài chính trị. Nhìn lại truyền thống lịch sử hào hùng với những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam, ai cũng thấy rõ mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với Đảng và nhân dân; ai cũng phải thừa nhận rằng, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của quân đội ta, của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong điều 70, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có hai điểm mới bổ sung: Một là,“lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”, hai là, “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân...”. Sự bổ sung này là rất cần thiết, bảo đảm tính nhất quán, chặt chẽ, chính xác; phản ánh đúng bản chất, nhiệm vụ, chức năng, vai trò của quân đội kiểu mới, quân đội cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng như mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với Đảng và nhân dân. Thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã chứng minh điều đó.
Là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sống trong lòng dân tộc, hiểu rõ cội nguồn lịch sử, hẳn ai cũng phải đau buồn, xót sa cho dân tộc khi dân tộc mình bị ngoại bang dày xéo, đô hộ, áp bức, bóc lột, nhân dân ta là nô lệ, phải sống kiếp ngựa trâu, bị tước mất quyền sống làm người. Có thể ai đó đã quên quá khứ dài lâu: dân tộc ta đã bị giặc phương Bắc thống trị hơn một ngàn năm nhưng không thể quên lịch sử hiện đại chỉ trên dưới một trăm năm gần đây, kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, sau đó là phát xít Nhật, đế quốc Mỹ ... và tội ác tột cùng của chúng.
Trong gần một trăm năm thực dân Pháp cai trị, ông cha ta chẳng hề tiếc máu xương, lớp lớp người kế tiếp nhau đứng lên chống lại quân xâm lược. Bao nhiêu phong trào vận động cứu nước, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp dã man, dìm trong biển máu. Tổ quốc trước những năm 1930 thật đau thương, bế tắc, tình hình đen tối vì không có đường ra. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng ta ra đời đã đem ánh sáng dọi đường đi cho dân tộc. Đảng đã sáng lập ra quân đội và lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ công hòa... Khởi nguồn này thật sự là tốt đẹp, đã đem lại sinh khí cho dân tộc, mở ra thời đại mới: độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; nhân dân làm chủ cuộc sống của mình. Những gì nhân dân ta tạo dựng, xây đắp nên và có được cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập và ngày càng ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay đâu phải tự nhiên mà có được nếu thiếu sự sự lãnh đạo của Đảng, sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân đội, sự hy sinh xương máu của hàng vạn anh hùng liệt sĩ; sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân... Vì vậy, đặt vấn đề: Vì sao lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là sự khẳng định lại một cách dứt khoát, rõ ràng quan điểm, thái độ, niềm tin tưởng tuyệt đối của LLVTND đối với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng CSVN đối với LLVTND ta. Nói cách khác, sự lãnh đạo của Đảng CSVN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của LLVTND.
Tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN là nét đẹp văn hóa của “Bộ đội Cụ Hồ”, là lịch sử truyền thống tốt đẹp của LLVTND và nhân dân ta. Tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN là trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ; là sự trọn vẹn tấm lòng son sắt, thủy chung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tuyệt đối chấp hành nghị quyết, mệnh lệnh của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân; đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ nhiệm vụ gì Đảng và nhân dân giao phó; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cơ sở khoa học của sự trung thành tuyệt đối của LLVTND đối với Đảng CSVN thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, LLVTND do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức sáng lập, giáo dục, rèn luyện và trực tiếp lãnh đạo. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của LLVTND ta chính là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng CSVN: Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trong đó, có quyền lợi, lợi ích chính đáng cho mỗi quân nhân, gia đình, người thân và dòng tộc của họ do Đảng đem lại. Như vậy, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng và LLVTND ta bện chặt vào nhau, hoàn toàn thống nhất. Ngoài mục tiêu, lý tưởng cao cả, thiêng liêng: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng ta và LLVTND ta không có mục đích nào khác.
Thứ hai, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVTND là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của LLVTND ta; nhờ đó, LLVTND ta đã cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thực hiện thống nhất đất nước, đưa giang sơn gấm vóc về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghiã lịch sử. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, LLVTND ta từ một đội quân có 34 chiến sĩ đã phát triển, trưởng thành, hùng mạnh với đầy đủ các quân, binh chủng như ngày nay; đủ sức đập tan mọi kẻ thù nếu chúng liều lĩnh xâm lược nước ta. Nhờ có Đảng, nhân dân ta và các gia đình cán bộ, chiến sĩ trong LLVTND được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Rõ ràng là, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVTND là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của LLVTND ta. Đây là một nguyên tắc chiến lược, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của chế độ XHCN và sự an nguy của quốc gia dân tộc Việt Nam. Nếu mắc sai lầm hoặc vi phạm nguyên tắc này, ngay lập tức, chúng ta phải trả giá đắt: Đất nước mất tự do, độc lập, thành quả cách mạng mà nhân dân ta, LLVTND ta bằng xương máu, công sức, mồ hôi, nước mắt của mình xây đắp nên sẽ bị xóa bỏ; nhân dân ta; trong đó có các gia đình cán bộ, chiến sĩ LLVTND sẽ rơi vào tình cảnh nô lệ, lầm than, mất nước. Chúng ta sẽ mắc tội vong ân bội nghĩa đối với hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Hãy đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Trường Sơn và khắp đất nước sẽ thấu hiểu hơn điều thiêng liêng ấy.
Sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là thảm họa chính trị của thế kỷ XX; dẫn đến chế độ XHCN sụp đổ; hàng triệu gia đình quân nhân phải sống trong sự đau khổ, khốn cùng, LLVT Liên Xô mất phương hướng. Đó là bài học xương máu, vô cùng đắt giá từ sự quay lưng, thiếu sự trung thành của LLVT Liên Xô đối với Đảng Cộng sản của họ. Cho nên chỉ có tin tưởng đi theo Đảng CSVN, trung thành tuyệt đối với Đảng thì mới thật sự có ấm no, tự do, hạnh phúc. Điều này không chỉ là đạo lý, lẽ phải thông thường, sự suy tôn, tôn vinh của LLVTND ta đối với Đảng mà còn là lương tâm, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của mỗi quân nhân, cán bộ, chiến sĩ LLVTND ta đối với Đảng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chúng ta cần có Đảng như cần cơm ăn, nước uống để sống và cần không khí để thở, ánh sáng để đi đường...
Ai đó, quay lưng lại với Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng có nghĩa là từ bỏ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân và LLVTND ta, là phản bội với người thân, ông cha, dòng tộc, tổ tiên của họ.
Cho nên, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân là bảo vệ chính cuộc sống, quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình, của gia đình, dòng họ, của quê hương đất nước; là bảo vệ những giá trị tinh túy, tốt đẹp nhất của nhân dân và dân tộc kết tinh trong Đảng. Đương nhiên, trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta không chỉ là làm cho cái tốt đẹp, tiến bộ, tích cực sinh sôi, nảy nở, đơm hoa, kết trái, dâng cho đời quả ngọt, hương thơm mà đồng thời phải chủ động, tích cực đấu tranh khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế không thể tránh khỏi có thể xuất hiện lúc này, lúc khác trong thực tiễn cuộc sống, cả những sai lầm của Đảng, để Đảng luôn luôn là “đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã khẳng định.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Nhà nước ta đã thể chế hóa những quy định của Hiến pháp thành các luật như Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên giới quốc gia...và các văn bản dưới luật, v.v.. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, từng bước đã thể chế hóa các nội dung về bảo vệ Tổ quốc ghi trong Hiến pháp năm 1992; đã phát huy tốt vai trò, tác dụng trong đời sống thực tiễn, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng về vấn đề này. Tính ưu việt của các văn bảp pháp luật về quốc phòng, quân sự thể hiện ở chỗ: Các văn bản ấy đãphản ánh đầy đủ các đặc trưng cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đó là tính ý chí, tính quyền lực, tính quy phạm, tính xã hội và tính nhân đạo. Nói cách khác, các văn bản pháp luật này đãphản ánh đúng nhu cầu khách quan của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, nó góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Đảng ta, nước ta trên trường quốc tế. Vai trò to lớn của các văn bản pháp luật nêu trên thể hiện ở những điểm sau:
- Là sự thống nhất ý Đảng, lòng dân; quân với dân một ý chí; sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng thế trận lòng dân; xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm cho LLVTND ta đủ sức đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Là phương tiện để Nhà nước quản lý thống nhất, chặt chẽ công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
- Góp phần nâng cao và thống nhất về nhận thức, hành động đối với công tác quân sự, quốc phòng, an ninhtrong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; các cấp, các bộ, ngành, địa phương và LLVTND trong thực hiệm 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; khẳng định rõ quan điểm, lập trường nhất quán, trước sau như một của Đảng ta: trong khi tập trung sức phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, Đảng ta không một phút nào lơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
- Tạo lập môi trường ổn định cho việc thiết lập, củng cố, phát triển các quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, các cấp, các bộ, ngành, địa phương và LLVTND trong thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, công bằng, minh bạch các bộ luật, pháp lệnh; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của mọi công dân. Điều đó khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng ta - một Đảng cầm quyền và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tại Điều 69, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Như vậy, điểm mới trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này là “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Vấn đề này không chỉ khẳng định rõ vai trò, ý thức trách nhiệm của LLVTND ta trong việc tham gia gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực và quốc tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay mà còn thể hiện rõ uy tín, vị thế, sự phát triển, trưởng thành và sức mạnh của LLVTND Việt Nam. Chúng ta đánh giá cao vai trò và coi hoạt động giữ gìn hòa bình là một chức năng quan trọng của Liên hợp quốc. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, để hoàn thành tốt chức năng này, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cần phải tuân thủ các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; bảo đảm tính vô tư; không thiên vị và chỉ được triển khai khi được các bên liên quan đồng ý, thống nhất cao.
Với tinh thần ấy, Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị để có thể tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước, chuẩn bị nhân sự có đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kiến thức luật pháp quốc tế để có thể tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả cao nhất. Chúng ta đang tích cực làm hết sức mình để có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị; nhằmngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh cũng như giải quyết hậu quả xung đột vũ trang và chiến tranh. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Vì vậy, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ song phương và đa phương như trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tạo lập cơ chế phối hợp để phòng ngừa, đối phó và xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống có liên quan. Các cơ quan của Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để có thể tham gia diễn tập đa phương tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông và các vấn đề nhân đạo khác, trước hết là đối với các nước láng giềng và trong khu vực.
Trong xây dựng quân đội hiện nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh vai trò nòng cốt của“Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... ” và tương tự như vậy, đối với Công an nhân dân. Điều này khẳng định Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành đã luôn luôn mang bản chất cách mạng. Sự nhấn mạnh này là rất cần thiết, bảo đảm tính nhất quán, chặt chẽ, chính xác; phản ánh đúng bản chất, nhiệm vụ, chức năng, vai trò của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Thực tế chỉ ra rằng, Quân đội ta là quân đội kiểu mới, quân đội cách mạng, mang bản chất của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; do Đảng, Bác Hồ kính yêu tổ chức sáng lập, giáo dục và rèn luyện; thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đấu tranh thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bản chất cách mạng của quân đội ta được Bác Hồ khái quát như sau: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Nói cách khác, quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Điều đó thể hiện rõ trong mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Có thể khẳng định rằng, bản chất cách mạng của quân đội là nhân tố hàng đầu và là cơ sở để xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội ta; làm cho bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân luôn được giữ vững và phát huy là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh Chương 4 về bảo vệ Tổ quốc, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn có Điều 11 và Điều 48 cũng có nội dung gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”; “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm cấm theo pháp luật”; “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”.
Đúng như vậy! Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Đây là một vấn đề mang tính tất yếu khách quan và phổ biến. Nó vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Hiến pháp của hầu hết các nước đều khẳng định như vậy.
Bản thân mỗi công dân, người thân, gia đình của họ lại sống trong một cộng đồng, dân tộc, tổ quốc. Nếu cộng đồng, dân tộc, tổ quốc bị xâm lăng thì lợi ích, quyền lợi cá nhân và gia đình, dòng tộc không thể bảo toàn và họ không thể sống bình yên, hạnh phúc. Chính điều đó đã buộc họ phải gắn bó với cộng đồng, dân tộc, phải cầm súng và các loại vũ khí sẵn có để bảo vệ, giữ gìn những gì họ tạo ra, làm nên. Từ câu chuyên cụ thể ấy có thể suy rộng ra: nền độc lập, tự do, hòa bình và quyền được sống làm người mà chúng ta có được đã tốn bao nhiêu xương máu của hàng triệu người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ mới dành lại được không thể để buông rơi, bị kẻ khác cướp đoạt do mắc sai lầm về đường lối. Vì vậy, công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhằm bảo vệ mảnh đất nơi mình đã “chôn dau, cắt rốn” và lớn lên, là bảo vệ người thân yêu, gia đình, xóm làng, quê hương, tổ quốc; bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là việc làm chính đáng; nhân đạo; vừa bảo vệ quyền lợi, lợi ích vừa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Công dân có thể trực tiếp tham gia LLVTND hoặc gián tiếp tham gia các hình thức khác để bảo vệ Tổ quốc theo quy định của luật pháp. Làm việc đó là ích nước, lợi nhà và cũng là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời là danh dự của công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bản thân mỗi công dân, người thân, gia đình của họ lại sống trong một cộng đồng, dân tộc, tổ quốc. Nếu cộng đồng, dân tộc, tổ quốc bị xâm lăng thì lợi ích, quyền lợi cá nhân và gia đình, dòng tộc không thể bảo toàn và họ không thể sống bình yên, hạnh phúc. Chính điều đó đã buộc họ phải gắn bó với cộng đồng, dân tộc, phải cầm súng và các loại vũ khí sẵn có để bảo vệ, giữ gìn những gì họ tạo ra, làm nên. Từ câu chuyên cụ thể ấy có thể suy rộng ra: nền độc lập, tự do, hòa bình và quyền được sống làm người mà chúng ta có được đã tốn bao nhiêu xương máu của hàng triệu người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ mới dành lại được không thể để buông rơi, bị kẻ khác cướp đoạt do mắc sai lầm về đường lối. Vì vậy, công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhằm bảo vệ mảnh đất nơi mình đã “chôn dau, cắt rốn” và lớn lên, là bảo vệ người thân yêu, gia đình, xóm làng, quê hương, tổ quốc; bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là việc làm chính đáng; nhân đạo; vừa bảo vệ quyền lợi, lợi ích vừa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Công dân có thể trực tiếp tham gia LLVTND hoặc gián tiếp tham gia các hình thức khác để bảo vệ Tổ quốc theo quy định của luật pháp. Làm việc đó là ích nước, lợi nhà và cũng là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời là danh dự của công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; do đó, lực lượng vũ trang nhân dân trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đồng thời, làm nòng cốt, cùng toàn dân chủ động, tích cực bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét