(ĐCSVN) - Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giải quyết vấn đề dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng nước ta. Vì vậy, công tác dân tộc luôn được xác định là một bộ phận quan trọng của của đường lối cách mạng Việt Nam. Các chủ trương, chính sách dân tộc luôn gắn với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Hiện nay ở nước ta, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số cả nước, cư trú trên 52 tỉnh, thành phố, chủ yếu là sinh sống ở các vùng miền đặc biệt khó khăn như: Miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh …
Trong những năm qua, nhờ quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc và miền núi của Đảng, Nhà nước, sự phấn đấu vươn lên không ngừng của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và sự nỗ lực vượt bậc của đồng bào các dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực: kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng và những vấn đề xã hội bức xúc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa từng bước được giải quyết. Đó là điều kiện vật chất cần thiết để thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền và các dân tộc. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã sản xuất giỏi, có hiệu quả đã hình thành và phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá gắn chặt với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được khẳng định và ngày càng mở rộng. Bộ mặt nông thôn mới ở hầu hết các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa hình thành rõ nét, trở thành các điểm sáng văn hoá - xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại luồng sinh khí và sức sống mới trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa không chỉ có ý nghĩa đối với việc nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho đồng bào các dân tộc mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng ở địa bàn chiến lược; Củng cố lòng tin của đồng bào đối với đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; Đồng thời, nâng cao ý thức phòng gian, cảnh giác cách mạng trước các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” và phá hoại của địch.
Tuy nhiên, so với mặt bằng của đời sống xã hội, nhất là các thành phố và các tỉnh đồng bằng thì các tỉnh miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn gặp nhiều khó khăn như: Tỉ lệ hộ nghèo còn cao; Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hoá, giáo dục còn thấp; Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào còn hạn chế; Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định… Vì vậy, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các “kẽ hở”, thiếu sót của ta về vấn đề dân tộc để đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, nhất là sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” và “dân tộc” để chống phá cách mạng Việt Nam.
Gần đây, nhất là sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thành công, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ đối với Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thâm độc của chúng là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta về vấn đề dân tộc để tuyên truyền kích động, gây hoang mang, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Chúng thu nhận những phần tử bất mãn với chế độ, hình thành lực lượng đối lập, đối trọng với chính quyền nhằm tạo ra một cơ sở xã hội không ổn định, suy yếu từ bên trong; từ đó gây ra mâu thuẫn nội bộ, dẫn tới ta “tự diễn biến” rất nguy hiểm.
Lợi dụng những khó khăn của đồng bào các dân tộc, chúng vu khống, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; Sử dụng miếng mồi “đầu tư vật chất”, “hỗ trợ trọn gói” nhằm thu hút lực lượng để thành lập “khu tự trị” của người dân tộc thiểu số; Đồng thời, kích động, hỗ trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong người dân tộc thiểu số hoạt động chống đối chính quyền, tạo ra các “điểm nóng dân tộc”, lấy cớ can thiệp để lái Việt Nam đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện tốt đường lối, chính sách dân tộc và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chúng ta cần: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc đối với việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thành các chương trình hành động, các biện pháp cụ thể, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào đời sống; Đầu tư thoả đáng để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu đã xác định để không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và làm giàu tiếng nói của mỗi dân tộc, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống yêu nước; Tạo mọi điều kiện để các dân tộc đóng góp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền; Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng dân tộc thiểu số; Có các phương án khả thi để kịp thời phát hiện, đấu tranh, cải tạo các đối tượng ngoan cố, lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét