Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

VỀ CÁI GỌI LÀ “CUỘC CÁCH MẠNG LÝ LUẬN” HIỆN NAY



1. Trước sự biến động dữ dội của tình hình thế giới, đặc biệt là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu; sự đổi mới, thích nghi và phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng như việc chậm khắc phục những hạn chế, bất cập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn sơ khai ở nước ta và một số hiện tượng tiêu cực trong quá trình đổi mới đất nước, một bộ phận người dân đã dao động, giảm lòng tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Với cái gọi là “kiến nghị tâm huyết” với Đảng, Nhà nước, số người này đã nhân danh “cấp tiến” đề xuất biện pháp nhằm “thay máu cho hệ tư tưởng”, “phục sinh chủ nghĩa dân tộc” và “sửa lại chủ nghĩa Mác - Lênin” cho hợp thời và sát với thực tế Việt Nam. Hùa theo những người có quan điểm đối lập với Đảng ta, có người đã “sám hối”, thừa nhận rằng, cả đời mình ngưỡng mộ, tin vào một học thuyết sai lầm, đi theo một con đường không đúng là chủ nghĩa xã hội nên “rơi vào tình cảnh éo le, bế tắc”, “cùng đường”; nay nhận thức lại “thấy chủ nghĩa tư bản là lời giải đáp đầy đủ nhất cho mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống tương lai”. Vì vậy, phải “chôn vùi quá khứ bi thảm”, phải “tẩy sạch, rửa sạch chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là lý luận hình thái kinh tế - xã hội của Mác” để “thanh thản đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, mong sớm phát tài, giàu sang.
Trong một số trang mạng gần đây, có người đã dẫn ra sự “hồi sinh” của Đông Đức, của Nga sau khi “được giải thoát khỏi sự ràng buộc của Đảng Cộng sản và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Chủ ý của họ là muốn dẫn dắt người nghe về sự cần thiết phải nhận thức rõ sự lạc hậu của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự cần thiết phải từ bỏ học thuyết này; theo đó phải đồng thời từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn từ đầu thế kỷ trước. Điều đáng bàn ở đây là trong số những người này, có một số người được Đảng, Nhà nước, gia đình cho ăn học và nuôi dạy chu đáo; thậm chí đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đi học tập ở nước ngoài ở những trường đại học có danh tiếng; được đào tạo chính quy, cơ bản, có trình độ, có hiểu biết nhất định; số người này đã đọc và nghiên cứu khá kỹ chủ nghĩa Mác - Lênin; nhưng buồn thay, họ đã cố tình xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, phê phán Đảng ta đã áp đặt ý muốn chủ quan khi tiếp thu, vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và họ hy vọng thay vào đó, những tư tưởng mà họ cho là “cấp tiến” của chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng… Ý đồ của họ là thay thế hệ tư tưởng vô sản bằng hệ tư tưởng tư sản và khi hệ tư tưởng của Đảng ta đã biến dạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không còn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, họ sẽ “đón rước” chủ nghĩa tư bản, các nhà tư sản vào nước ta và làm cho ý thức hệ tư sản đóng vai trò thống trị xã hội Việt Nam mới mà họ có công tạo dựng nên, và đương nhiên, họ sẽ được hưởng lợi từ việc làm ấy. Vậy là, sự giáo đầu bằng cuộc cách mạng lý luận là mưu đồ để họ thực hiện cuộc cách mạng về chính trị: lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu của mình, chiến đấu, hy sinh gần 100 năm mới giành lại được.
Trên một số hội thảo khoa học, các sách báo, tài liệu quốc tế thời gian qua, người ta bàn nhiều về số phận của học thuyết Mác - Lênin. Phần đông các học giả đều thừa nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định sự cần thiết phải có học thuyết này trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đã có quan điểm cho rằng, “chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là của quá khứ”, “chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, XX; không phù hợp với thời đại ngày nay”, “chủ nghĩa Mác - Lênin đã chết cùng với sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu”. Trắng trợn hơn, có người còn vu khống: “C.Mác và V.I.Lênin là những nhà xã hội duy tâm, siêu hình, là nhà không tưởng”, học thuyết Mác - Lênin chỉ là “sự sao chép sống sượng” chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, kinh tế chính trị học Anh, triết học cổ điển Đức và văn học Nga; là “sản phẩm lai tạo”, “hỗn hợp” mang tính chủ quan, áp đặt,“được nặn ra từ những cái đầu thiển cận của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin”.
Ở nước ta, lợi dụng văn đàn các cuộc hội thảo khoa học, một số người cũng “a dua, hùa theo bọn cơ hội, xét lại”, đã đưa ra nhiều lý lẽ “đòi xem xét lại” con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Điều hết sức nguy hiểm là các quan điểm sai trái này bằng nhiều hình thức đã được tán phát, lan truyền rất nhanh trên mạng Internet, các sách báo, đài phát thanh của các thế lực thù địch. Vì thế, chúng đã và đang gieo rắc sự hoài nghi, bi quan cho nhiều người, để lại những hậu quả không thể xem thường trong xã hội ta. Bằng cách này, cách khác, họ muốn “chuyển lửa về quê nhà”, tạo nên sự “diễn biến bên trong” xã hội ta, trước hết là diễn biến về nhận thức, tư tưởng; từ đó dẫn đến “tự diễn biến” về những mặt khác.
Chúng ta không hề ngạc nhiên trước những quan điểm xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, vì những “điệp khúc” này đã được “tua đi tua lại” nhiều lần kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời cho đến nay; chỉ có điều nó được thể hiện rất khác nhau bởi các “ngữ điệu” khác nhau qua các kiểu loại kẻ thù “lớn nhỏ” của C.Mác, Ăngghen, V.I.Lênin. Vì sao họ lại chống chủ nghĩa Mác - Lênin một cách điên cuồng và quyết liệt như vậy? Hẳn là họ ý thức rất rõ sức sống mãnh liệt cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự tồn tại, phát triển và lợi ích của họ, nhất là khi chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Hẳn là họ hiểu rằng, chừng nào còn chủ nghĩa Mác - Lênin thì chừng ấy còn có Đảng Cộng sản, còn có phong trào công nhân và cuộc đấu tranh của giai cấp này tất yếu sẽ tiêu diệt họ; chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tất yếu sẽ được xây dựng thành công. Do đó, họ sẽ bị diệt vong. Sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa    Mác - Lênin là hoàn toàn có hại cho họ và họ không mong muốn chế độ và giai cấp mà họ tôn thờ lại có kết cục “bi thảm”; họ không thể ngồi nhìn sự “chết dần, chết mòn” của chính mình; họ không thể “chịu đựng nổi” uy tín và vai trò ngày càng tăng lên của Đảng Cộng sản, ưu thế và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Để cứu lấy mình, họ buộc phải dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, kể cả âm mưu, thủ đoạn bỉ ổi, đê hèn nhất để chống phá, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin.
Xem xét ở một khía cạnh khác, chúng ta sẽ rõ hơn vấn đề nêu trên. Sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một số người đã hí hửng cho rằng, “chủ nghĩa Mác - Lênin đã cáo chung, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, theo đó cũng mất vai trò, tác dụng, chẳng còn ý nghĩa”. Vì sao những người có quan điểm đối lập với Đảng ta lại tập trung bài xích, phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xoáy sâu vào vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, công cuộc đổi mới ở nước ta?
Luận giải vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau, song tựu chung lại, những người có quan điểm đối lập với Đảng ta muốn dụng ý rằng, ở Việt Nam cần phải lựa chọn con đường đi khác chứ không phải là việc tiếp tục đi theo con đường cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn từ đầu thế kỷ XX. Theo họ, “có làm như vậy, người dân Việt Nam mới thật sự có điều kiện để hòa nhập, hội nhập quốc tế, mới mau chóng thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Họ cho rằng, “con đường đi “ngắn nhất, phù hợp nhất” đối với Việt Nam hiện nay là bắt tay làm ăn với các nhà tư bản, nhờ sự giúp đỡ của các nước tư bản phát triển. Họ đưa ra nhiều luận cứ khác nhau để chứng minh rằng, các nước vốn đã từng là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu như Balan, Hunggari, Bungari,... đã từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội để bắt tay làm ăn với Mỹ, với các nước phương Tây, gia nhập khối NATO nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước ấy là rất nhanh và đạt hiệu quả thiết thực.
Theo họ, “cách làm và hướng đi như vậy là đúng đắn, hợp thời”; “một mặt, tránh được sự chèn ép của Mỹ và phương Tây, tạo dựng được môi trường “hòa bình” để hợp tác, làm ăn giữa một nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ còn thấp như nước ta với các nước có trình độ sản xuất, khoa học, công nghệ phát triển cao là Mỹ và phương Tây; nhờ đó mà sớm chấm dứt sự lạc hậu, yếu kém, để nhanh chóng tiếp thu các giá trị tiến bộ, hiện đại ở các nước phát triển; nhanh chóng thu hút nguồn vốn đầu tư; và hơn thế, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và chuyên gia trên các lĩnh vực; không cần phải chờ đợi quá trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia và tích lũy vốn dài lâu. Với cách đi này, vừa không phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài; vừa có điều kiện để “tăng tốc phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước; nhờ đó mà đến năm 2020, nước ta mới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Luận bàn như thế họ cho là chưa đủ, để tăng thêm sức mạnh, họ khẳng định: bắt tay làm ăn, hợp tác với các nước tư bản phát triển, gia nhập khối NATO là thời cơ, điều kiện tốt nhất để giảm “gánh nặng” chi phí quốc phòng, an ninh, nhờ đó mà tập trung vào xây dựng, làm cho đất nước giàu có, phồn vinh. Hơn nữa, sự hùng mạnh của quốc gia nhờ sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước lại có thêm sự bảo đảm chắc chắn nền từ nền quốc phòng, an ninh. Lợi dụng một số cuộc biểu tình tự phát của sinh viên và những người quá khích về việc phản đối tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam, cắt cáp thăm dò biển của tàu Bình Minh 2, những người “cấp tiến” vội cho rằng, Việt Nam phải bắt tay ngay với Mỹ và tham gia khối NATO, đó là cái đảm bảo chắc chắn nhất cho độc lập chủ quyền quốc gia; và đó là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp và răn đe các nước láng giềng, làm thui chột mưu đồ xâm chiếm của họ, v.v..
Với những lập luận về “cái được” nêu trên, những người có quan điểm “cấp tiến”, một mặt, không những không hiểu hoặc cố tình không hiểu đường lối, chủ trương , chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn không hiểu truyền thống lịch sử dân tộc qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; mặt khác, họ còn đưa ra các kiến nghị, yêu cầu Đảng và Nhà nước ta phải đẩy nhanh quá trình đổi mới tư duy và nhận thức lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để sớm kết thúc thời kỳ quá độ gián tiếp “đầy đau khổ” hiện nay mà lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin đã gây ra. Những “lời khuyên”, “kiến nghị” nêu trên, thoạt nghe có vẻ hấp dẫn, thực dụng đối với một số người nhẹ dạ cả tin. Song, suy xét kỹ, nó hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu, con đường, lẽ sống mà chúng ta đã lựa chọn. Khi những lời khuyên, kiến nghị, khuyến nghị, yêu cầu của họ nêu trên, không được Đảng và Nhà nước ta chấp nhận thì họ quay sang nói xấu, xuyên tạc và bôi nhọ Đảng ta, chế độ ta; phủ nhận những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa qua gần 30 năm đổi mới. Làm những việc sai trái mà lương tâm họ không hề cắn dứt, thậm chí họ chẳng thèm đói hoài đến những người thân đã thắt lưng buộc bụng, dành những gì là tốt nhất cho họ ăn học như thế nào, mà lẽ ra, họ phải đem tài năng, kiến thức đã được học để phục vụ nhân dân, đất nước, làm giàu đẹp cho quê hương, xứ xở; thế nhưng họ lại ngang nhiên bài xích, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chà đạp thô bạo lên lịch sử dân tộc, phản bội nhân dân.
Bóp méo, che đậy sự thật trước mắt người dân, phủ nhận thành quả gần 30 năm đổi mới đất nước là một việc làm không hề dễ dàng vì sự thật, tự bản thân nó, tràn đầy tính thuyết phục. Vì vậy, những người có quan điểm đối lập với Đảng ta quay sang sử dụng ngón đòn ác hiểm nhất là phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của các ông. Làm điều này, theo họ sẽ đạt hiệu quả hơn, tác dụng lớn hơn, vì nó gây ra sự hoài nghi, nghi ngờ về tính đúng đắn, sáng tạo của lý luận khoa học Mác - Lênin, về sự lựa chọn đúng, sai con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặt lại sự nghi vấn đối với cả Hồ Chí Minh. Theo cách này, họ hy vọng sẽ tạo ra một khoảng trống trong lòng xã hội ta, sẽ phân hóa các lực lượng “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lênin, với Đảng và dễ dàng nhận biết ai là lực lượng “cấp tiến”, đứng về phía họ, mong muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Từ đó, tập hợp các phần tử bất mãn với chế độ ta thành một lực lượng độc lập, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì ép Đảng ta từ bỏ mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội để thực hiện mưu đồ của họ là lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Làm những việc sai trái, phản quốc, chống lại nhân dân, nơi mà minh đã sinh ra và lớn lên; hết lời ca ngợi không công cho chủ nghĩa tư bản, những người có quan điểm đối lập với Đảng ta đã cố tình quên đi những mâu thuẫn gay gắt vốn có trong lòng xã hội tư bản đương đại, làm ngơ trước sự bất công, phân biệt đối xử, phân cực giàu nghèo; tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, gây chiến tranh xâm lược, tệ nạn xã hội, tàn phá môi trường do chủ nghĩa tư bản gây ra. Ngay nước Mỹ, người ta tính rằng, chỉ 1% dân số giàu có nhất nhưng chiếm giữ 53% tổng lượng cổ phiếu, 64% chứng khoán và 1/3 tài sản cả nước; thu nhập người da trắng cao gấp 11 lần người da màu, tỷ lệ người da đen sống trong nghèo khổ cao gấp 3 lần, tỷ lệ nạn nhân da đen trong các vụ giết hại cao gấp 5 lần so với người da trắng; năm 2008 Mỹ là nước buôn bán vũ khí lớn nhất, chiếm 56,7% tổng lượng buôn bán vũ khí thế giới ,v.v..
 2. Rõ ràng là, nhận thức và vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác để kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đưa sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đi đến thành công đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta không những phải biết bảo vệ, đập tan các quan điểm sai trái, phản động mà còn phải kiên định, vững vàng trước khó khăn, thử thách; biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của các ông nói riêng để tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Cương lĩnh năm 1991, (bổ sung, phát triển 2011) đề ra, hoàn thành các chỉ tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã xác định. Đây là những vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sự an nguy, phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu làm rõ giá trị và ý nghĩa của quan niệm duy vật lịch sử, đặc biệt là bảo vệ và phát triển học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác trong thời điểm hiện nay là vấn đề lý luận thời sự cấp bách, rất đáng quan tâm; kiên quyết không mắc mưu “diễn biến hòa bình”.
Chúng ta đều biết, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã, đang là một trong những trọng điểm lý luận bị công kích, chống phá từ nhiều phía của những người có quan điểm đối lập với Đảng ta. Trong phía phản diện, có người lớn tiếng cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã lỗi thời và vô dụng. Vì vậy, con đường và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là “sai lầm”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là “sao chép, rập khuôn máy móc mô hình Liên Xô (cũ); ”là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên, không mang tính tất yếu khách quan, không có khả năng thực hiện ở Việt Nam; cho nên, họ đặt ra vấn đề “cần từ bỏ chủ nghĩa xã hội, nên lựa chọn con đường đi mới cho dân tộc Việt Nam là đi theo các nước tư bản chủ nghĩa vì họ có hơn 500 năm tồn tại, phát triển với nhiều kinh nghiệm quý” có thể giúp ta mau chóng giàu sang, hiện đại.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ chính trị cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lúc này là nhận thức đúng đắn bản chất khoa học, cách mạng; giá trị và ý nghĩa học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, trang bị tri thức lý luận khoa học và thực tiễn cách mạng để đứng vững trên cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, chống các quan điểm sai trái, phản động; bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, làm cho mọi người dân nhận thức đúng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấy đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, làm sáng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và khả năng thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã xác định, góp phần phòng, chống nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” và chiến lược “diễn biến hoà bình” mà các thế lực thù địch đang mưu toan thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi, vô cùng nham hiểm, ác độc.
Nếu trước đây, bằng quan niệm duy tâm về lịch sử, các thế lực thù địch đã tuyên truyền cho người dân tin vào vai trò sáng tạo thế giới của chúa trời, thượng đế và thánh thần, vì thế người dân buông xuôi, an phận, tuân theo định mệnh, số phận. Làm việc đó, các thế lực thù địch đã tước đi sức mạnh tinh thần của người dân, loại bỏ nguy cơ phản kháng của giai cấp bị trị từ sự ươn hèn, bạc nhược về chính trị của họ; nhờ đó, chúng mặc sức lũng loạn và áp đặt quyền thống trị đối với người dân “nô lệ”. Với sự ra đời của quan niệm duy vật về lịch sử thế giới, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã bác bỏ vai trò sáng tạo thế giới của của chúa trời, thượng đế và thánh thần, đã khẳng định dứt khoát: tiền đề đầu tiên của lịch sử là con người với tư cách là chủ thể sáng tạo thế giới, cải tạo hiện thực, làm nên lịch sử, chứ không phải là chúa trời, thượng đế và thánh thần.
Theo C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin: Để sống, trước hết con người cần phải có cái ăn, cái mặc, nơi ở và làm việc…, những thứ đó không có sẵn trong tự nhiên, buộc con người phải lao động, sản xuất, tạo ra. Muốn vậy, nhất thiết con người phải cần đến công cụ lao động, đối tượng lao động, sức lao động; kinh nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết và kĩ thuật chế tạo công cụ và sản xuất. Các yếu tố đó, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin gọi là lực lượng sản xuất, tức là quan hệ giữa con người với tự nhiên, thể hiện sự chinh phục giới tự nhiên của họ. Để sản xuất ra thức ăn, đồ dùng, vật dụng, nếu chỉ có lực lượng sản xuất không thôi thì chưa đủ, con người phải cần đến quan hệ giao tiếp, tức là quan hệ sản xuất: quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, quan hệ về tổ chức, quản lí, phân công lao động và quan hệ về phân phối sản phẩm đã tạo ra. Sự gắn kết các yếu tố nêu trên tạo thành quan hệ sản xuất, tức là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, làm ra của cải nuôi sống con người, quyết định sự tồn tại và phát triển xã hội. Đó là một vấn đề có tính quy luật khách quan và phổ biến.
Khi phân tích mối quan hệ này, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chỉ ra rằng: chính sự thống nhất hoặc mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cũng như mâu thuẫn giữa các yếu tố tạo nên từng mặt của nó là ngọn nguồn “bí mật”, vạch ra động lực phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đồng thời, là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị; giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội và các mối quan hệ xã hội khác. Đó là cơ sở khoa học để giải thích các căn nguyên khác đã làm nảy sinh chế độ tư hữu, giai cấp, đấu tranh giai cấp, nhà nước và cách mạng xã hội. Sự vận động, phát triển biện chứng của quá trình lịch sử  - tự nhiên đã chỉ ra qui luật và xu thế, khuynh hướng phát triển của lịch sử xã hội loài người và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội.
 Vì thế, quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác đã phá bỏ “chân lí vĩnh hằng” về vai trò sáng tạo thế giới của chúa trời và các vị thần thánh, chỗ dựa cuối cùng của giai cấp thống trị. Bị bại lộ và mất chỗ dựa “linh thiêng”, đồng thời cảm nhận nguy cơ bị diệt vong tất yếu, các giai cấp thống trị, đặc biệt là giai cấp tư sản trước đây cũng như ngày nay, đã và đang căm thù chủ nghĩa Mác - Lênin đến tận xương tủy. Điều đó đã nói lên rằng, Đảng ta cũng như các Đảng Cộng sản và các Đảng công nhân khác, khi thừa nhận chủ nghĩa        Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cho mọi hành động thì cũng có nghĩa là đã và đang tuyên chiến với giai cấp bóc lột, đụng chạm đến lợi ích “sát sườn”, “thiết thân” của giai cấp tư sản thống trị ngày nay; cho nên sự phản ứng quyết liệt của giai cấp tư sản và những người có chung lợi ích với họ cũng là một lẽ đương nhiên.
Luận giải căn nguyên phản kháng quyết liệt của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản và hệ tư tưởng khoa học, cách mạng, V.I.Lênin chỉ rõ: chủ nghĩa Mác là học thuyết vạch ra con đường đấu tranh để tự giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; “điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”1; điều đó cũng có nghĩa là nó thẳng thừng phủ nhận vai trò thống trị xã hội của giai cấp tư sản, giai cấp bóc lột, đang cản trở tiến bộ xã hội. V.I.Lênin nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa Mác mang tính đảng sâu sắc nhưng chủ nghĩa Mác không có gì giống “chủ nghĩa bè phái” hiểu theo nghĩa một học thuyết phiến diện, cực đoan và khép kính, nảy sinh ở ngoài con đường phát triển tất yếu của văn minh nhân loại. Khác hẳn về chất với các học thuyết xuất hiện trong lịch sử, học thuyết Mác là sự thống nhất biện chứng giữa tính đảng và tính khoa học.
 Cơ sở khách quan của sự thống nhất đó là sự phù hợp giữa lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân dân lao động và quy luật phát triển tất yếu khách quan của xã hội. Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là do chính bản thân tiến trình vận động, phát triển khách quan của lịch sử quy định. Chủ nghĩa Mác không chỉ là sự thể hiện sâu sắc ý nguyện của giai cấp công nhân, mà còn đồng thời là khát vọng của toàn thể nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới; là sự kế thừa và phát triển những tinh hoa trí tuệ, tư tưởng- văn hoá của loài người. Chính vì vậy, dẫu phải trải qua nhiều thử thách cam go, phức tạp với những bước thăng trầm lịch sử, chủ nghĩa Mác ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt của mình; mọi thủ đoạn công kích, bài xích nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác đều không đủ sức thuyết phục và cuối cùng đều bị thất bại.
Ngày nay, lợi dụng những khó khăn và sai lầm trong qua trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và các nước Đông Âu; chủ nghĩa cơ hội, xét lại và các lý luận gia tư sản không còn dừng lại ở việc phê phán một vài luận điểm, mà đã đi tới công kích toàn diện hòng phủ nhận toàn bộ học thuyết Mác - Lênin; xoáy sâu vào lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của các ông. Vì sao vậy? Bởi vì, trong chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội là một vấn đề có tính chất nền tảng, nhờ nó mà quan niệm duy vật biện chứng về xã hội không còn là một giả thuyết, mà được chứng minh một cách khoa học và trở thành kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng thế giới. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng xác nhận rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chính là những kết quả lớn mà hai ông đã đạt được, nó đã trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu sau này. Phải chăng vì lẽ đó, những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại tập trung công kích, bài xích lý luận mácxít về hình thái kinh tế - xã hội, hy vọng từ đó phủ nhận toàn bộ học thuyết      Mác - Lênin. Họ lớn tiếng phê phán “sai lầm chủ yếu trong học thuyết về lịch sử của Mác là học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội”1. Đồng thời, cùng với các học giả tư sản, họ ra sức lý tưởng hoá xã hội tư bản hiện đại, tán dương các học thuyết xã hội ngoài mácxít, chứng minh “tính hợp lý” của học thuyết này với ý đồ thay thế, gạt bỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác.
Trong những học thuyết xã hội ngoài mácxít mà các lý luận gia tư sản, các phần tử cơ hội, xét lại ra sức tán dương, chúng ta cần chú ý đến luận thuyết về “năm thời kỳ trưởng thành của xã hội” của nhà xã hội học Mỹ U. Rôxtâu, cố vấn tâm lý của nhiều đời Tổng thống Mỹ và luận thuyết về sự phát triển xã hội trải qua những làn sóng xác lập những nền văn minh của nhà tương lai học A. Tốplơ.
Dựa vào sự phát triển của công nghiệp, U.Rôxtâu phân định lịch sử xã hội cho đến nay trải qua năm giai đoạn: giai đoạn trước công nghiệp (trước tư bản chủ nghĩa) là “xã hội cổ truyền”, được coi là “trung tâm của sự lạc hậu”; bốn giai đoạn tiếp theo là các nấc thang phát triển của công nghiệp, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản (từ “trạng thái quá độ” với sự xuất hiện của các nhà kinh doanh công nghiệp qua giai đoạn “cao trào nhảy vọt”, giai đoạn “chín muồi công nghiệp” đến giai đoạn thứ năm là “xã hội tiêu dùng rộng rãi” với “nhà nước phúc lợi chung”).
 U.Rôxtâu coi giai đoạn thứ năm này là tổ chức xã hội lý tưởng (có ở Mỹ, Nhật và một số nước Tây Âu); nước Mỹ đang ở đỉnh cao của quá trình tiến hoá ấy, đợi các nước khác diễn lại cái quá khứ của nước Mỹ để cùng hoà vào “xã hội hậu công nghiệp” mà nước Mỹ là đại diện. Dựa vào tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, A.Tốplơ cho rằng, nhân loại đã và đang trải qua những làn sóng thay đổi vĩ đại, xác lập những nền văn minh diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, quy mô ngày càng lớn. Làn sóng thứ nhất là cuộc cách mạng nông nghiệp của mười nghìn năm trước đây, xác lập nền văn minh nông nghiệp. Làn sóng thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu diễn ra cách đây 300 năm, xác lập nền văn minh công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là làn sóng thứ ba, sản sinh ra nền văn minh “hậu công nghiệp”...
Những quan điểm trên đây có chung cơ sở phương pháp luận là “quyết định luận kỹ thuật”, đồng nhất tiến bộ kỹ thuật với tiến bộ xã hội, chứng minh sự phụ thuộc của các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển của kỹ thuật. Từ đó dẫn tới kết luận: tiến bộ kỹ thuật trong thời đại ngày nay là yếu tố quyết định làm cho xã hội tư bản chuyển hoá thành “xã hội hậu công nghiệp”, đưa loài người đến một kỷ nguyên mới mà trong đó, kỹ thuật là yếu tố chi phối, trí thức là nhân vật trung tâm.
 Theo lôgíc đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn, mà bản thân giai cấp đó cũng dần dần “biến mất” cùng giai cấp tư sản, không còn đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, “cách mạng xã hội chủ nghĩa” và “chuyên chính vô sản” chỉ là những khái niệm của một thời lầm lỗi thuộc về quá khứ, v.v.. Do đó, không cần có học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại đã và đang ra sức phụ hoạ, tán dương những luận điểm trên đây, cho rằng toàn bộ học thuyết Mác - Lênin (từ lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, lý luận về nhà nước và chủ nghĩa xã hội, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và chuyên chính vô sản...) đã lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thời đại.
 Do đó, cần phá bỏ, thay đổi tất cả những gì được thiết kế, xây dựng trong hiện thực theo học thuyết Mác - Lênin: cần thay thế mô hình “xã hội chủ nghĩa mácxít” bằng mô hình “xã hội chủ nghĩa phi mácxít”, “ xã hội chủ nghĩa không cộng sản”; không phải “thủ tiêu chế độ tư hữu” mà cần “tư hữu hoá” nhiều hơn và toàn bộ cơ sở kinh tế của xã hội; cần từ bỏ chuyên chính vô sản với sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản để thay thế bằng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng (hay lưỡng đảng) đối lập, v.v..
Chúng ta không phủ nhận những yếu tố hợp lý trong các học thuyết xã hội ngoài mácxít, nhất là về vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại, về sự phát triển của lực lượng sản xuất, về đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí... Song, cần thấy rõ những khiếm khuyết và hạn chế cơ bản trong các học thuyết đó, nhất là việc né tránh giải quyết mối quan hệ biện chững giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội, với vấn đề giải phóng con người, và các vấn đề xã hội khác trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc cũng như toàn nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà trong thông điệp của mình, Giáo hoàng Gioan Phaolô II tỏ ý nghi ngờ: “Liệu có thể nói rằng, sau khi chủ nghĩa cộng sản thất bại thì chủ nghĩa tư bản là một hệ thống đắc thắng, và chủ nghĩa tư bản sẽ là mục tiêu phấn đấu của các quốc gia hiện nay đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế và xã hội của mình hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là phức tạp”. Ông cũng tỏ ra lo lắng: “Có nguy cơ ý thức hệ tư sản cấp tiến lan rộng, họ mù quáng phó thác việc giải quyết các vấn đề ấy (tức các vấn đề xã hội - tác giả) cho việc phát triển tự do của các thế lực thị trường”1.
Để phân tích và giải quyết một cách khoa học, có hiệu quả các vấn đề thuộc đời sống xã hội, không thể siêu hình, phiến diện, tuyệt đối hoá một vài yếu tố nào đó, mà phải có quan điểm tổng hợp, tiếp cận theo nguyên lý tính hệ thống và xem xét nó một cách khách quan, toàn diện, cụ thể - lịch sử, thực tiễn và phát triển. Cần coi xã hội là một chỉnh thể thống nhất, có kết cấu cơ bản và phổ biến, có cơ chế vận động, phát triển theo quy luật khách quan với tư cách là một quá trình lịch sử- tự nhiên. Đó chính là những vấn đề cơ bản được luận chứng khoa học trong lý luận về hình thái kinh tế - xã hội nói riêng, trong toàn bộ học thuyết Mác - Lênin nói chung.
 Chúng ta thừa nhận có một số luận điểm cụ thể mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin khái quát về thời đại, hoặc dự báo về tương lai nay không còn phù hợp. Đó là điều bình thường, đúng với quy luật khách quan của quá trình nhận thức. Không thể vì thế mà phủ nhận giá trị khoa học và ý nghĩa thời đại sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của các ông. Cũng không thể vì sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu mà suy diễn một cách thô thiển “mô hình chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác sụp đổ”.
Không phải ngẫu nhiên mà “thời báo Lôt Angiơlét” (Mỹ), phát hành ngay sau sự kiện 19-8-1991 đã nhận định: Tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác vẫn còn ghi dấu ấn không thể xoá bỏ trên lĩnh vực lý luận. Rất nhiều vấn đề chính trị học, xã hội học, kinh tế học của thế giới đương đại đều được phân tích bằng lăng kính của chủ nghĩa Mác, thậm chí còn được phân tích bằng những khái niệm mácxít. Cựu Tổng thống Mỹ R.Níchxơn, trong cuốn sách “Chớp lấy thời cơ - thách thức mới đối với Hoa Kỳ trong thế giới một siêu cường” cũng phải thừa nhận: học thuyết Mác vẫn đang được hâm mộ trong các trường đại học ở Mỹ.
3. Lịch sử khoa học hiện đại ghi rõ từng sự kiện, cả nhân loại đều có chung nhận thức đúng đắn về lý luận hình thái kinh tế - xã hội của Mác; cớ sao lại có người cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, lừa dối lương tâm, phản bội chính mình, lừa gạt mọi người. Hiểu cho đúng sự thật, tôn trọng sự thật thì phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, điều kiện, lực lượng và phương pháp giải phóng triệt để xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hoá, đói nghèo dưới mọi hình thức. Chủ nghĩa Mác chỉ ra những quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan, sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đưa giai cấp công nhân và những người dân lao động từ nô lệ, lầm than lên địa vị làm chủ xã hội.
Với việc phát hiện ra quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, chủ nghĩa Mác đã đem lại niềm tin vào thắng lợi cuối cùng cho giai cấp vô sản. Đó cũng là điều giải thích rõ tại sao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) lại tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tại sao Đảng ta khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam và tại sao kẻ thù của chúng ta lại quyết liệt tấn công nhằm hạ bệ, thủ tiêu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách ráo diết như vậy.
Thực hiện mục đích nêu trên, trong nghiên cứu, học tập và vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần đi sâu khai thác, làm rõ hơn những nội dung chủ yếu nhất, cốt lõi nhất, đặc biệt là làm nổi bật phương pháp tiếp cận và bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết này.
Thứ nhất, cần khẳng định dứt khoát rằng, trước đây cũng như hiện nay và mai sau, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vẫn là quan niệm duy nhất khoa học và cách mạng để nhận thức và giải quyết các vấn đề lịch sử, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác thể hiện ở tính tất yếu khách quan của sự ra đời học thuyết, ở việc khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển lịch sử xã hội loài người, ở quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, ở mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ở việc khẳng định sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên…Không thể lấy cách tiếp cận khác, ví như cách tiếp cận của lịch sử các nền văn minh, các làn sóng văn minh, hoặc cách tiếp cận của sự phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật… để thay thế và phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, mặc dù trong các cách tiếp cận đó có một số yếu tố khoa học chúng ta có thể chọn lọc tiếp thu, kế thừa trên tinh thần phê phán để phát triển lý luận khoa học của mình, làm giàu có lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, chúng ta cần phê phán, bác bỏ các quan điểm duy tâm chủ quan và siêu hình của những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Cần khẳng định rằng: trong xã hội có đối kháng giai cấp, không có thứ lý luận “phi tính đảng”: nếu không có quan điểm gia cấp rõ ràng thì không thể luận giải khách quan, khoa học các hiện tượng xã hội; mong đợi một khoa học vô tư trong xã hội có đối kháng giai cấp là “một sự ngây thơ khờ khạo”. Điều này đúng với nhận định của V.I.Lênin: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị, và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”1.
Thứ hai, trong khi phân tích, làm rõ tính tất yếu khách quan sự ra đời học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, phải luận giải và khẳng định được sự ra đời học thuyết này là một cuộc cách mạng lý luận trong toàn bộ quan niệm về lịch sử và xã hội, là sản phẩm tất yếu của lịch sử và thời đại, một trong những phát kiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen. Thật vậy, trước Mác, chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo thống trị nhận thức xã hội và lịch sử, việc phân loại các chế độ xã hội và phân kỳ lịch sử hoàn toàn rơi vào ngõ cụt, bế tắc; người ta đã quan niệm rằng, động lực phát triển của lịch sử xã hội do thượng đế, thánh thần, những lực lượng này có sức mạnh siêu nhiên nên đóng vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển lịch sử, xã hội loài người.
Bác bỏ quan điểm duy tâm trừu tượng, phi lịch sử về xã hội, C.Mác chỉ ra rằng, động lực phát triển của lịch sử không phải do thánh thần mà là do hoạt động thực tiễn của con người dưới tác động của các quy luật khách quan quyết định. C.Mác đã xuất phát từ “cái sự thật hiển nhiên…là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học v.v..”[1] Luận điểm này biểu hiện tập trung nhất quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác. Chừng nào con người còn tồn tại trên trái đất này, nghĩa là loài người còn tiếp tục sống và phát triển thì chừng đó, họ còn phải ăn, uống và lao động. Chừng nào cái sự thật hiển nhiên đó vẫn tồn tại thì quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác cũng như học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là không thể lạc hậu, không thể lỗi thời.
Ai cũng biết, để làm ra của cải vật chất nuôi sống mình, duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội, con người buộc phải quan hệ với nhau trong quá trình lao động, sản xuất. Những quan hệ này mang tính tất yếu, khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của bất cứ ai. Xem xét tất cả các quan hệ xã hội, C.Mác nhìn thấy vai trò hàng đầu của quan hệ kinh tế và ông đã làm nổi bật những quan hệ vật chất xã hội, tức là những quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế. C.Mác coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tất cả các quan hệ khác. Bằng cách này, quan niệm duy vật lịch sử trình bày trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã cung cấp cho khoa học xã hội và nhân văn một tiêu chuẩn khách quan để xem xét các hiện tượng phức tạp của lịch sử, xã hội. Nhờ có quan niệm duy vật về lịch sử, C.Mác đã chấm dứt mọi lũng đoạn trong sự giải thích các hiện tượng lịch sử của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo.
Điểm vượt trội, mang ý nghĩa thuyết phục của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác so với các học thuyết xã hội khác là ở chỗ, C.Mác làm nổi bật vai trò quyết định - xét đến cùng - của nhân tố kinh tế. Tuy nhiên, C.Mác, Ph.Ăngghen không bao giờ coi kinh tế là nhân tố duy nhất quyết định sự vận động, biến đổi của lịch sử. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen đã khẳng định rõ ràng: “Theo quan niệm duy vật về lịch sử, xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả tôi lẫn C.Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu có ai đó xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa. Tình hình kinh tế là cơ sở hạ tầng, nhưng các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng… cũng có ảnh hưởng đến quá trình của cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức của cuộc đấu tranh ấy”1.
Thứ ba, bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội thể hiện ở chỗ, C.Mác chỉ ra vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển xã hội, con người, loài người. Nếu con vật chỉ hoạt động theo bản năng nhằm thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, thì con người, nhờ có lao động sản xuất vật chất mà cải tạo thế giới và do đó luôn thoả mãn nhu cầu của mình, con người làm chủ thế giới, con người sáng tạo ra lịch sử. Không có hoạt động sản xuất vật chất, con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển. Ngoài chức năng đầu tiên và trực tiếp này, con người thông qua lao động sản xuất vật chất còn gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất và tinh thần của mình. Ph.Ăngghen khẳng định: “Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người… lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”2.
Như vậy, xã hội tồn tại và phát triển, trước hết là nhờ sản xuất vật chất. Do đó, lịch sử xã hội không có gì khác là lịch sử phát triển của sản xuất vật chất. Bởi thế, mọi sự giải thích thế giới chỉ có thể đạt tới chân lý khi sự giải thích ấy được xuất phát từ nền sản xuất vật chất xã hội và thực tiễn khách quan, tư duy lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác.
Thứ tư, trong khi phân tích và xây dựng kết cấu học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã chỉ ra rằng, lực lượng sản xuất, xét đến cùng, đóng vai trò quyết định quan hệ sản xuất, quyết định thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi một chế độ xã hội. C.Mác viết: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình… loài người thay đổi tất cả các quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”3. Khi phân tích vai trò của các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin đã chú ý làm nổi bật vai trò của khoa học, công nghệ và lao động trí tuệ, qua đó các ông khẳng định khoa học, công nghệ và hàm lượng trí tuệ, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay đang làm cho con người và sức lao động của họ trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng của sản xuất xã hội, là nguồn lực cơ bản, nguồn lực vô tận. Từ đây, vận dụng ý nghĩa phương pháp luận giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể giải thích, làm rõ tính đúng đắn của luận đề: Vì sao Đảng ta lại quyết định đưa ra và thực hiện đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và quyết tâm phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.
Trong khi làm rõ quan hệ sản xuất là do con người tạo ra, quan hệ sản xuất chịu sự quy định của lực lượng sản xuất, C.Mác đồng thời khẳng định rõ sự tác động trở lại mang tính tích cực, sáng tạo của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất. Theo C.Mác, sự tồn tại và phát triển của quan hệ sản xuất tất yếu phải tuân theo những quy luật khách quan của sự vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, của đời sống xã hội. Quan hệ sản xuất, xét về thực chất, là quan hệ kinh tế, quan hệ mang tính vật chất, là cơ sở, cội nguồn của đời sống văn hoá, tinh thần. Tính chất của quan hệ sản xuất trước hết được quy định bởi quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Đây là “chìa khoá” mở ra con đường để nhận thức các vấn đề khác của đời sống xã hội. Bởi lẽ, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất có vai trò quyết định đối với tất cả các quan hệ xã hội khác, đây là mối quan hệ xuất phát, quan hệ cơ bản, quan hệ trung tâm của các quan hệ sản xuất.
Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C.Mác đi sâu phân tích mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, chỉ ra vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng. C.Mác và Ph.Ăngghen đều cho rằng, kiến trúc thượng tầng do cơ sở hạ tầng sinh ra, song nó không phải là sản phẩm thụ động, tiêu cực mà luôn tác động trở lại một cách tích cực, sáng tạo đối với cơ sở hạ tầng. Ph.Ăngghen cho rằng, sự phát triển của các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng đều tác động lẫn nhau và cùng tác động đến cơ sở kinh tế, hoàn toàn không phải chỉ có điều kiện kinh tế là nguyên nhân duy nhất đóng vai trò chủ động, còn các yếu tố khác chỉ có tác dụng phụ, đóng vai trò thụ động. Do vậy, trong công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn dựa chắc vào nền tảng, cơ sở khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, để đề xuất đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh, đồng thời thấy rõ vai trò, tác động tích cực của các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng, nên đã và đang giải quyết có hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng nhằm xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng vững mạnh, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa việc khẳng định vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Có thể khẳng định rằng, với đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đúng đắn và thành tựu giành được trong gần 30 năm qua đã cho phép Đại hội XI của Đảng xác định mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba, phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở hành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Như vậy, việc làm rõ một số vấn đề “mấu chốt” của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, đã cho phép Đảng ta vận dụng sáng tạo quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cũng như mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng vào công cuộc đổi mới ở nước ta. Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học để chúng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, và chính nó là vũ khí sắc bén để chúng ta đứng vững trên mặt trận tư tưởng lý luận, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phản động, bảo vệ chân lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trước sự tấn công của kẻ thù, sự vận động, biến đổi rất phức tạp của tình hình hiện nay; kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử chúng ta đạt được gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Thứ năm, trong học tập, nghiên cứu và vận dụng lý luận vào thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, cần tích cực tuyên truyền ý nghĩa to lớn và giá trị bền vững của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là một trong những phát kiến vĩ đại của C.Mác, là “hạt nhân” cơ bản của quan niệm duy vật lịch sử, và là “hòn đá tảng” trong học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác. C.Mác coi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cùng với cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là những yếu tố không thể thiếu được để hợp thành hình thái kinh tế - xã hội; đồng thời, ông coi mối quan hệ biện chứng trong quá trình vận động của các  yếu tố đó chính là những vấn đề có tính quy luật trong quá trình phát triển của hình thái kinh tế - xã hội. Sự vận động, phát triển của các quy luật làm cho sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để giải thích các sự kiện, các hiện tượng lịch sử và vai trò sáng tạo lịch sử của loài người, xu thế vận động, phát triển của thời đại ngày nay cũng như tính tất yếu khách quan đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Dù muốn hay không thì cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn cứ diễn ra, sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa có áp bức bóc lột, bất công bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp hơn là một tất yếu khách quan; một xu hướng không thể đảo ngược; không ai tự sáng tạo ra quy luật và không ai có thể “tiêu diệt” được quy luật, không thể ngăn cản bánh xe lịch sử.
Ngày nay, sự vận động của thực tiễn lịch sử và những kiến thức về lịch sử của nhân loại đã có bước phát triển mới so với giai đoạn học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác mới xuất hiện. Chính sự phát triển tri thức khoa học của nhân loại là cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để chứng minh tính đúng đắn và giá trị khoa học của học thuyết Mác. Với bản chất khoa học và cách mạng, những kết luận mà C.Mác nêu ra trong học thuyết của mình vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang tác động sâu sắc đến thời đại ngày nay. Học thuyết của C.Mác sẽ còn sống mãi, là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học để chúng ta nhận thức và cải tạo thế giới để phòng chống sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đổi mới ở nước ta hơn hai thập niên vừa  năm qua và một số nước xã hội chủ nghĩa khác như Trung Quốc, Cu Ba …đã và đang chứng minh điều đó.
Trước sau như một, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, quyết tâm vượt ngàn chông gai, băng qua thử thách, phía trước tiến lên. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh vẫn ở bên chúng ta. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin sống mãi./.


1 V.I. Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1980, t.23, tr.1
1 I.U.Burtin, “Những khiếm khuyết trong học thuyết lịch sử của Mác”, Tạp chí OKtiabr, số 11 và 12-1989.
1 Thông điệp của Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố nhân dịp 100 năm Thông điệp “Rerum Novarum” của Giáo chủ Lê Ô XIII (1891-1991).
1 V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1980,t.23, tr.57.
[1] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.166.

1 C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1997, tr.641- 642
2 C. Mác và  Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1994, tr.641.
3 C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.187.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét