Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM - TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA



Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành lãnh thổ và là chủ quyền thiêng liêng của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9 tháng 2 năm 2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Đảng ta khẳng định mục tiêu và quyết tâm phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; góp phần tích cực đưa công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đi đến thành công. Vì vậy, biển, đảo nước ta có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sống của đất nước và mỗi công dân.
Là nước Đông Nam Á lục địa, Việt Nam có bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, với nhiều lợi ích ở biển, đảo. Biển nước ta có độ sâu trung bình; vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan là các vùng biển nông; chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quanh năm nắng ấm, nhiều ánh sáng; độ muối trung bình khoảng 30-33%0. Nguồn lợi thỷ, hải sản của biển, đảo nước ta là rất lớn;  sinh vật biển phong phú, trữ lượng hải sản khoảng 3,9-4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm khoảng 1,9 - 2,1 triệu tấn. Biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó có khoảng 120 loài có giá trị kinh tế; 1647 loài giáp xác, hơn 100 loài tôm. Ngoài ra, biển nước ta còn có hơn 2500 loài nhuyễn thể, hơn 600 loài rong biển và nhiều loại đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò, điệp, v.v., có giá trị xuất khẩu cao.
Dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi triều, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn rất thuận lợi cho nuôi trồng hải sản nước mặn và nước lợ như nuôi cá lồng, tôm, cua, rau câu, v.v.. Ven bờ có nhiều đảo, vụng và vịnh, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các bãi cho cá, đồi mồi, chim biển, rắn biển và thú biển sinh sản, phát triển. Hiện nay ở nước ta có 4 ngư trường trọng điểm, có vai trò lớn trong bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, đó là ngư trường Cà Mau - Kiên Giang, ngư trường Ninh thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Trên vùng biển nước ta có khoảng 4000 hòn đảo lớn nhỏ; trong đó có gần 3000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều tiềm năng về tài nguyên dầu khí, thủy, hải sản và quốc phòng, an ninh. Với chiến lược biển và những đổi mới trong chính sách của Đảng, Nhà nước, đã và đang tạo mọi điều kiện để khai thác tài nguyên biển, thủy, hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi và giữ vững chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa. Những năm gần đây, ngành thuỷ sản nước ta đã có bước phát triển đột phá. Tất cả các địa phương giáp biển đều đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, làm muối, làm du lịch biển…thu hút khá tốt nguồn nhân lực và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 13 triệu lao động, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đổi mới phương thức nuôi trồng, đánh bắt nguồn thủy, hải sản tự nhiên và nhân tạo; mỗi năm ngành thuỷ sản nước ta đạt tổng sản lượng khai thác khoảng gần 4 triệu tấn, lớn hơn sản lượng thịt cộng lại từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, các mặt hàng thuỷ, hải sản của nước ta đã xâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Biển Việt Nam nối thông với nhiều hướng, đi đến nhiều quốc gia nên rất thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ… giữa nước ta và các nước trong khu vực và thế giới. Đường bờ biển của nước ta dài, có nhiều vũng, vịnh rộng, kín gió, và nhiều đảo ven bờ, đặc biệt là các cảng, cụm cảng lớn như Hải phòng, Cái Lân, Đà Nẵng-Liên Chiểu-Chân Mây, Dung Quất, Nha Trang, Sài Gòn-Vũng Tàu-Thị Vải, v.v., nằm trên đường hàng hải quốc tế nên có điều kiện rất thuận lợi để nước ta xây dựng các cảng biển, cảng sông, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường biển; quan trọng nhất là hướng bắc- nam: từ Hải Phòng đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. (tuyến đường này dài 1500 km). Trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, các thế mạnh của biển, đảo nước ta ngày càng được phát huy. Hiện nay, đánh bắt thủy, hải sản và du lịch biển-đảo đã và đang góp phần quan trọng vào thay đổi cơ cấu kinh tế nước nhà. Hơn thế, vùng biển, đảo nước ta có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên rất thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Trong đó có quần thể du lịch Hạ Long đã được xếp hạng vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, nước ta còn có nhiều bãi biển nổi tiếng như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hoà)…là những điểm đến lý tưởng về du lịch.
Vùng thềm lục địa nước ta có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí với tổng trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi. Trên cơ sở hợp tác với một số nước về lĩnh vực này, chúng ta đã và đang đẩy mạnh thăm dò, khai thác dầu khí (từ năm 1986 đén nay) với quy mô ngày càng lớn, và kết quả bước đầu đã có tác động khá lớn đến sự phát triển nền kinh tế nước nhà. Việc phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu và các ngành dịch vụ khai thác dầu khí đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi cơ cấu kinh tế và ngành công nghiệp; tạo ra một sô nhà máy, khu công nghiệp lớn, tiêu biểu là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Việc sản xuất muối cũng rất thuận lợi. Các vùng sản xuất muối nổi tiếng, cho năng xuất, chất lượng cao là Cà Ná, Sa Huỳnh…
Gắn chặt với việc khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí, du lịch, giao thông và các nguồn thủy, hải sản của biển, đảo… để làm giàu và đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển vào năm 2020; các cấp, các ngành và các địa phương giáp biển, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhân dân đang đẩy mạnh hoạt động bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển; coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kinh yêu: “Ngày trước ta chỉ có đem và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. ta phải biết giữ gìn lấy nó”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét