Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ - TINH THẦN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY



Trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám là một trong những mốc son chói lọi nhất, trang sử vàng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, lần đầu tiên, một dân tộc thuộc địa nửa phong kiến là Việt Nam: đất không rộng, người không đông, nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu đã “đồng tâm, hiệp sức, một lòng”, quyết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược; đã đập tan ách áp bức, thống trị của phát xít Nhật sau 5 năm chiếm đóng; đã đánh đuổi thực dân Pháp dày xéo đất nước ta suốt 87 năm dòng, kết thúc sự ngụ trị của chế độ phong kiến lỗi thời; mở ra kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỉ nguyên độc lập tự do, nhân dân lao động trở thành chủ nhân đất nước, tự quyết định cuộc sống và vận mệnh của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở ra thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh với những chiến công oanh liệt cả trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, cả trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta từ hoạt động không hợp pháp trở thành một Đảng công khai lãnh đạo chính quyền cách mạng trong cả nước; nhân dân ta từ thân phận là người dân nô lệ, mất nước, cuộc sống cơ cực lầm than, trở thành người làm chủ đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc, gây tầm ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng quốc tế. Đây là cuộc đổi đời, một cột mốc đánh dấu sự hồi sinh của một dân tộc; từ đây, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ghi tên trên bản đồ thế giới; khẳng định vị thế, chỗ đứng của Việt Nam trong lịch sử và trong thế giới đương đại.
Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “chẳng những giai cấp lao dộng và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử  cách mạng  của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[i].
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối chính trị - quân sự của Đảng ta; đã định hướng, mở đường; làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện đất nước; đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển nền khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Những nhân tố đó đã kết tinh và kiến tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần Việt Nam, giúp Đảng và nhân dân ta vượt qua muôn ngàn chông gai thử thách, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; chiến thắng kẻ thù hung bạo, dựng nên tượng đài nhân cách, phong cách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
  Sức mạnh chính trị - tinh thần trong Cách mạng Tháng Tám trước hết thể hiện ở vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đây là điều kiện tiên quyết để Cách mạng Việt Nam đi đúng định hướng, Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công. Khẳng định điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi trước hết phải có Đảng cách mệnh”[ii], “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”2. Thấu hiểu sâu sắc điều ấy, nên từ năm 1925, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ra tờ báo Thanh niên, viết tác phẩm Đường Kách mệnh (1927),… tất cả những việc làm đó đều nhằm một mục đích: giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam yêu nước, làm hạt giống cách mạng để xây dựng phong trào cách mạng và khi điều kiện phát triển chín muồi, chính Người đã triệu tập hội nghị hợp nhất Đảng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930).
Đảng ra đời đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị do phong trào Cần Vương và các sĩ phu yêu nước phát động từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhờ có Đảng lãnh đạo, Cách mạng Việt Nam có đường lối chính trị đúng đắn, có tư tưởng và hành động thống nhất, tổ chức Đảng có chất lượng cao, trong sạch vững mạnh; sâu sát và bám rễ sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở nước ta từ năm 1930 - 1945 chỉ ra rằng: nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam được chuẩn bị từ trước về mọi mặt: từ việc đấu tranh thành lập Đảng, đề ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt; thông qua cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), đấu tranh phục hồi tổ chức Đảng (1932 - 1935); cao trào vận động dân chủ chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình (1936 - 1939) đến việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; phát động đấu tranh chống Nhật, cứu nước, v.v..
Tất cả những việc là đó đã được Đảng ta cân nhắc cẩn trọng, chuẩn bị chu đáo cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sự phát triển và trưởng thành nhanh chóng của lực lượng vũ trang, trở thành điểm tựa, chỗ dựa vững chắc cho đấu tranh cách mạng, là động lực kích thích phong trào cách mạng quần chúng phát triển nhanh, mạnh mẽ, liên tục. Vì thế, sự gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, tạo thành những làn sóng cách mạng vô cùng mạnh mẽ tràn lên, lướt tới, nhấn chìm bọn phát xít Nhật, quấn phăng thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Cho nên, bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đều đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác đảng, công tác chính trị, đảm bảo cho Đảng luôn có đường lối chính trị đúng đắn, thật sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
                   Sức mạnh chính trị - tinh thần trong Cách mạng Tháng Tám thể hiện ở việc Đảng ta phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho ý Đảng, lòng dân hòa quện thống nhất, quân với dân một ý chí; mọi người dân Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, sang hèn; già trẻ, gái trai tất cả đều tự nguyện đồng tâm, hợp sức đứng về phía cách mạng, trong đội ngũ của những người cách mạng, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sức mạnh chính trị - tinh thần trong Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của lòng người, của tâm thế sẵn sàng, tự nguyện, tự giác chiến đấu hi sinh để Tổ quốc được sống, để dân tộc Việt Nam được trường tồn, phát triển.
Chính vì thế, sức mạnh chính trị - tinh thần của Đảng ta, nhân dân ta đã đè bẹp ý chí quân xâm lược, nghiền nát những vũ khí tối tân, hiện đại là những máy bay, xe tăng, tàu chiến của bọn thực dân, đế quốc, làm cho chính phủ của đội quân xâm lược khốn đốn, sự uy nghi của cường quốc về kinh tế, quân sự bị lung lay, tinh thần của một dân tộc “thượng đẳng” bị rệu dạo, lung lay, suy sụp. Với tinh thần gan góc, quả cảm và sáng tạo, đội quân chính trị của Đảng là nhân dân ta, quân đội ta đã được tôi luyện qua bão lửa của cách mạng là các cao trào 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945.
Cùng với sự phát triển là lớn mạnh của lực lượng chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác tổ chức rèn luyện cán bộ, chiến sĩ; tổ chức sắp xếp lực lượng vũ trang với cơ cấu hợp lí, kỉ luật tự giác nghiêm minh, có mối quan hệ nội bộ và quân dân tốt, đánh giặc giỏi, công tác hăng say, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Sự ra đời của Đội du kích Bắc Sơn, Cứu Quốc Quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chứng minh điều đó. Cái mới, cái sâu sắc phản ánh sự am hiểu tường tận về sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần của con người Việt Nam trong tương quan so sánh lực lượng với địch là sự giác ngộ và nhận thức đúng đắn mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước, căm thù giặc của mỗi người dân Việt Nam đối với vận mệnh của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân ta. Họ hiểu rõ vì ai mà chiến đấu, vì ai sẵng sàng hy sinh cả tính mạng, tuổi trẻ. Vì thế, ngay sau khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lấy phương châm hoạt động của mình: “chính trị trọng hơn quân sự”, “người trước súng sau” để phát triển lực lượng. Nắm vững phương châm ấy, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tập trung sức xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng để phát triển lực lượng vũ trang. Nhờ đó, sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã tạo nên sức mạnh vô địch của lực lượng cách mạng; dựa vào nền tảng sức mạnh của lực lượng cách mạng hiện có, Đảng đã nhân thêm sức mạnh mới, nhờ đó từng bước chuyển hóa lực lượng, ta từ yếu chuyển thành mạnh; không những đủ sức để đấu tranh giành chính quyền cách mạng mà còn là nguồn sức mạnh vô địch để bảo vệ chính quyền cách mạng.
Một trong những điểm mấu chốt về phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã nhạy bén, sáng tạo trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về căn cứ địa; lấy căn cứ địa để xây dựng và củng cố cơ sở chính trị ở thành thị, nông thôn; do đó, xuất phát từ cơ sở chính trị để xây dựng cơ sở vũ trang, tiến lên xây dựng khu du kích. Những việc làm đó đã được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cả về điều kiện vật chất, cả về nhân tố chính trị - tinh thần. Sự lớn mạnh không ngừng của các căn cứ địa cách mạng trong phạm vi cả nước là cơ sở đặc biệt quan trọng để thành lập, củng cố và phát triển chính quyền cách mạng; qua đó, Đảng tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, tình hình địch và ta đến mọi người dân.
Vì vậy, ý Đảng, lòng dân, quân với dân một ý chí ngày càng bền chặt, phát triển. Rõ ràng là, khi chưa có tình thế cách mạng trực tiếp thì đấu tranh chính trị được Đảng xác định là mặt trận chủ yếu; theo đó, phát huy sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần đã được đề cao. Khi tình thế mới xuất hiện, Đảng đã nhạy bén, sáng tạo chuyển hình thức đấu tranh từ thấp lên cao, phát động chiến tranh du kích, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, tiến lên Tổng khởi nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, việc chớp thời cơ và tận dụng tốt các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên Đảng đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn dân tham gia đánh giặc, cả nước đồng lòng, gắng sức; vì thế, Đảng đã tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng quân xâm lược quân số đông, nhiều tiền, lắm của, vũ khí tối tân hiện đại.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quí báu, cần nghiên cứu kĩ để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; đó là kinh nghiệm kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng ta xác định nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến không thể tách rời nhau. Trải qua thực tiễn lãnh đạo ba cao trào cách mạng, Đảng ta đã rút ra kết luận: trong điều kiện, hoàn cảnh của nước ta, nhiệm vụ chống đế quốc là chủ yếu nhất. Vì vậy, nhiệm vụ chống phong kiến phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc và từng bước thực hiện với những chương trình, nhiệm vụ cụ thể. Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, Đảng ta xác định, mũi nhọn của cách mạng cần chĩa vào Phát xít Nhật - Pháp. Đó là giải pháp tình thế hướng vào giải quyết mâu thuẫn chủ yếu cấp bách đặt ra. Đồng thời, Đảng đã phát huy tốt vai trò nền tảng của khối liên minh công - nông - binh…, huy động và tổ chức toàn dân tham gia đánh giặc.
Thực tiễn lãnh đạo 3 cao trào cách mạng đã chứng minh điều đó. Đây là một trong những yếu tố cần đặc biệt nghiên cứu, kế thừa và vận dụng vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Một trong những kinh nghiệm quí báu mà thắng lợi của cách mạng tháng Tám chỉ ra là Đảng ta đã khôn khéo lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù; đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát xít, giữa chủ nghĩa đế quốc và một bộ phận địa chủ phong kiến, đồng thời lợi dụng mâu thuẫn ngay trong hàng ngũ ngụy quyền, ngụy quân tay sai. Nhờ đó đã cô lập cao độ bọn đế quốc, phát xít và bọn tay sai thân cận chúng; tranh thủ, lôi kéo những phần tử lừng chừng về phía ta. Đây là một kinh nghiệm quí báu rút ra từ Cách mạng Tháng Tám cần nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng cấu thành, tạo nên sức sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là xây dựng Đảng mácxít - lêninnít ngang tầm nhiệm vụ,  đủ sức lãnh đạo cách mạng. Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam có được đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta; đã phát huy triệt để sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh vô địch để đánh thắng kẻ thù; đã sử dụng tối ưu bạo lực cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, v.v..
Có thể khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh chính trị - tinh thần Việt Nam của Đảng và nhân dân ta; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; thắng lợi của lòng kiên nhẫn, ý chí quyết đánh, quyết thắng; thắng lợi của khối đại đoàn kết dân tộc, của liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức Việt Nam...Giá trị, ý nghĩa và sức sống của nó đặc biệt sâu sắc, đã trở thành “thương hiệu” giá trị Việt Nam, có sức sống mãnh liệt giữa lòng nhân loại; đã đi vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử; và ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nó là hành trang cần thiết để Đảng và nhân dân ta, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, nâng nó lên tầm cao mới, biến nó thành động lực, sức mạnh mới để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.


[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr.159.
[ii],2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 2000, tr.188.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét