Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG NGƯỜI XUYÊN TẠC CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN (tiếp theo và hết)



C.Mác và Ph.Ăngghen đã nghiên cứu và kế thừa kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và triết học cổ điển Đức, đặc biệt là triết học của Hêghen và Phoiơbắc. Ph.Ăngghen cho rằng, C.Mác vĩ đại bởi vì ông “biết đứng trên vai của những người khổng lồ”, đó là Đ.Ricacđô, A.Smít, Xanhximông, Phuriê, Hêghen và Phoiơbắc..., không có các vị ấy, chắc chắn không thể có chủ nghĩa Mác. Chính “tư tưởng tiến bộ” và “hạt nhân hợp lý” trong học thuyết của các bậc tiền bối đã được C.Mác kế thừa, bằng cách lọc bỏ 9 phần bã, lấy một phần chất để xây dựng nên học thuyết khoa học, cách mạng cña m×nh. Với tính cách là những bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đều có sự biến đổi về chất so với nguồn gốc của chúng. Vì thế, coi chủ nghĩa Mác như “sự lắp ghép cơ học của kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và triết học cổ điển Đức” là không hiểu đúng bản chất chủ nghĩa Mác.
Tuy nhiên, có một thực tế là, trong giáo dục lý luận chính trị phổ thông và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thời gian qua, chúng ta chưa có điều kiện làm rõ nguồn gốc hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác mà chỉ tập trung làm rõ hệ thống quan điểm của Người. Điều đó đã đem lại những nhận thức khác nhau, nhất là khi mọi người “tiếp cận” những thông tin sai lệch, thậm chí xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Người ta “nửa tin nửa ngờ” về tính chân lý của học thuyết Mác; bởi vậy, đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra: Tại sao chủ nghĩa Mác là học thuyết khoa học, cách mạng, được các Đảng Cộng sản coi là nền tảng tư tưởng mà chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lại sụp đổ? Tại sao các nước theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin lại là những nước nghèo đói, còn chủ nghĩa tư bản lại giàu có? Có phải C.Mác và V.I.Lênin là những nhà xã hội duy tâm, siêu hình và không tưởng?
Những câu hỏi tương tự nêu trên đều có vấn đề của nó. Trước hết, do chúng ta trang bị hệ thống quan điểm lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho mọi người chưa đủ độ để họ có thể tự giải đáp mọi vấn đề mà thực tiễn đặt ra và đủ sức chống lại các quan điểm sai trái. Hơn nữa, vì nhiều lý do, có người không hiểu nguồn gốc hình thành và phát triển của các quan điểm ấy, chỉ nắm “phần ngọn” nên rất dễ lầm lẫn. Nếu hiểu rõ các điều kiện kinh tế - xã hội và tiền đề lý luận, khoa học tự nhiên của sự ra đời chủ nghĩa Mác, cũng như quá trình hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác, họ sẽ vững tin hơn khi xem xét và bác bỏ các quan điểm sai trái.
Tung ra các luận điệu: “chủ nghĩa Mác là một học thuyết đóng kín, siêu hình, duy tâm...”, những người có quan điểm đối lập đã cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, vu khống “sự sai lầm của chủ nghĩa Mác”. Việc làm này diễn ra ở thời hiện tại, song về thực chất vẫn như hơn một trăm năm trước đây các bậc thầy của họ đã từng làm.
Vượt qua mọi sự chống phá, chủ nghĩa Mác với những giá trị khoa học và cách mạng, vẫn tỏ rõ sự trường tồn và bất diệt. Trước đây, các thầy “phù thuỷ” cao tay đã không thể hạ gục chủ nghĩa Mác, thì nay hậu duệ của họ, dù lắm mưu, nhiều kế cũng không thể làm gì hơn thế. Sức sống của chủ nghĩa Mác được nuôi dưỡng bằng tinh hoa trí tuệ nhân loại và thực tiễn cách mạng. Nhờ đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã “lột xác”, chuyển lập trường từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Mỗi sự kiện như một nấc thang kế tiếp, nuôi dưỡng tư duy lý luận của Mác và chính nó đã giúp ông sáng lập ra chủ nghĩa Mác. Sau cách mạng tư sản Tháng Hai năm 1848, cũng như sau Công xã Pari năm 1871... , C.Mác và Ph.Ăngghen đều tiến hành tổng kết lịch sử, khái quát những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cách mạng, bổ sung, hoàn thiện chủ nghĩa Mác. Ban đầu, chỉ là “một bóng ma ám ảnh châu Âu”.
Song, vào những năm 70 của thế kỷ XIX, nó đã trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân quốc tế; là cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản. Đến năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội ra đời. Điều đó chứng minh rằng, chủ nghĩa Mác không phải là “một học thuyết bè phái” mà là một học thuyết khoa học và cách mạng. Bằng lao động sáng tạo, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chuyển chủ nghĩa xã hội không tưởng thành lý luận khoa học và V.I.Lênin đã đưa lý luận khoa học vào thực tiễn cuộc sống, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Lịch sử đã ghi rõ từng sự kiện, cả nhân loại đều thừa nhận: chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ ra những quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan, sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đưa giai cấp công nhân và người dân lao động từ nô lệ lên địa vị làm chủ xã hội.  Đó chính là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, điều kiện, lực lượng và phương pháp giải phóng triệt để xã hội, giai cấp, dân tộc; giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hoá, đói nghèo dưới mọi hình thức.
Vậy cớ sao, lại vẫn có người cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, phản bội chính mình, lừa gạt mọi người. Đến đây, có thể nói rằng, những người cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin chính là những kẻ lừa dối lương tâm, cản trở tiến bộ xã hội, phản bội loài người./.

BỘ MẶT THẬT CỦA NHỮNG NGƯỜI XUYÊN TẠC CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN (Phần 1)



Với việc phát hiện ra quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, chủ nghĩa Mác đã trở thành lý luận khoa học, cách mạng, chỉ ra con đường đấu tranh cho mục tiêu giải phóng giai cấp vô sản. Trên thực tế, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam lấy làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn làm ngơ trước thực tại đó, đưa ra những luận điệu vô căn cứ để tấn công, xuyên tạc nhằm thủ tiêu chủ nghĩa Mác - Lênin. Vậy, bộ mặt thật của những người đó là gì?
Trước sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu; sự đổi mới, thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, cộng với những biểu hiện tiêu cực trong quá trình đổi mới đất nước, một số người đã dao động, giảm lòng tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Với cái gọi là “kiến nghị tâm huyết” với Đảng, Nhà nước, một số người nhân danh “cấp tiến” đề xuất giải pháp nhằm “thay máu cho hệ tư tưởng” và “sửa lại chủ nghĩa Mác - Lênin” cho hợp thời và sát với thực tế Việt Nam. Có kẻ còn “sám hối” rằng, cả đời mình đã tin theo một học thuyết sai lầm, đi theo một con đường không đúng nên “rơi vào tình cảnh éo le, bế tắc”, “cùng đường”; nay nhận thức lại, “thấy chủ nghĩa tư bản là lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống của loài người”. Vì vậy, phải “giã từ chủ nghĩa xã hội” để đi theo chủ nghĩa tư bản.
Gần đây, trên một số hội thảo quốc tế, người ta bàn nhiều về tương lai của học thuyết Mác. Phần đông các học giả đều thừa nhận giá trị khoa học, cách mạng và sự cần thiết phải có học thuyết Mác trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, “chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là của quá khứ”, “chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, XX; không phù hợp với thời đại ngày nay”, hay “chủ nghĩa Mác - Lênin đã chết cùng với sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu”. Trắng trợn hơn, họ còn xuyên tạc: “C.Mác và V.I.Lênin là những nhà xã hội duy tâm, siêu hình và không tưởng”, học thuyết Mác chỉ là “sự sao chép sống sượng” chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, kinh tế chính trị học Anh và triết học cổ điển Đức; là “sản phẩm lai tạo”, “hỗn hợp” mang tính chủ quan, áp đặt, “được nặn ra từ những cái đầu thiển cận của C.Mác và Ph.Ăngghen”.
Ở nước ta, lợi dụng các cuộc hội thảo khoa học, một số người đã đưa ra nhiều lý lẽ để phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã chọn; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Điều hết sức nguy hiểm là các quan điểm sai trái này bằng nhiều hình thức đã được tán phát, lan truyền rất nhanh; gây hoang mang, hoài nghi cho nhiều người, để lại những hậu quả không thể xem thường trong xã hội ta. Bằng cách này, họ muốn “chuyển lửa về quê nhà”, tạo nên sự “diễn biến bên trong”, trước hết là diễn biến về nhận thức, tư tưởng; từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” theo quỹ đạo chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Chúng ta không hề ngạc nhiên trước những quan điểm xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời cho đến nay, những “điệp khúc” này đã được “tua” nhiều lần ; chỉ có điều nó được thể hiện bởi các “ngữ điệu” khác nhau qua các kiểu loại kẻ thù “lớn nhỏ” của C.Mác. Vì sao họ lại chống chủ nghĩa Mác một cách điên cuồng và quyết liệt như vậy? Hẳn là họ ý thức rất rõ sức sống mãnh liệt cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa Mác đối với sự tồn tại, phát triển và lợi ích của họ, nhất là khi chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng thống trị của giai cấp công nhân, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Hẳn là họ hiểu rằng, chừng nào còn chủ nghĩa Mác - Lênin thì chừng ấy còn có Đảng Cộng sản, còn có phong trào công nhân và cuộc đấu tranh của giai cấp này tất yếu sẽ tiêu diệt họ; chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tất yếu sẽ được xây dựng thành công.
Kể từ năm 1930, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ VII (năm 1991) đến nay, Đảng và nhân dân ta luôn khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó, các thế lực thù địch luôn có những bài viết xuyên tạc, vu khống, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng không chỉ phê phán, phủ nhận các luận điểm, mà còn xuất phát từ cội nguồn, lịch sử hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phê phán. Vậy họ là ai, bộ mặt thật của những người này thế nào? Câu trả lời sẽ từ sự phân tích bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
 Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX ở nước Đức, do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập. Vào thời điểm đó, lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản phát triển rất mạnh mẽ, ưu thế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được khẳng định và cách mạng tư sản đã giành thắng lợi. Thế nhưng, ngọn cờ “tự do, bình đẳng, bác ái” và những lời hứa của giai cấp tư sản trong quá trình cách mạng, lúc này chỉ còn lại là “chiếc bánh vẽ”. Thành quả và lợi ích của cuộc cách mạng tư sản đã bị giai cấp tư sản chiếm đoạt mà không hề đếm xỉa đến lợi ích của những người bạn đồng minh là giai cấp vô sản. Bị lừa dối và phản bội, giai cấp vô sản đã thức tỉnh và họ hiểu rằng, kẻ thù của mình không phải là “máy móc” mà chính là giai cấp tư sản.
 Vì vậy, họ đã liên hợp lại, kiên quyết đứng lên đấu tranh đòi lại quyền sống cho mình. Cuộc đấu tranh “một mất một còn” của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản ngày càng quyết liệt. Sống trong thời đại ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen tận mắt chứng kiến các biến cố lịch sử và phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - những người “đào huyệt” chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Các ông đã xây dựng lý luận khoa học, cách mạng để trang bị cho giai cấp công nhân. Tất cả những điều nêu trên chỉ diễn ra trong thập kỷ thứ ba và thứ tư của thế kỷ XIX, khi mà C.Mác và Ph.Ăngghen đang ở độ tuổi xung mãn; khi những điều kiện khách quan đã phát triển và đạt độ chín muồi, tác động trực tiếp, cho phép c¸c «ng tiếp thu, kế thừa và xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng. Đó cũng là điều giải thích rõ: Tại sao các bậc tiền bối của C.Mác và Ph.Ăngghen lại không thể phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và họ không thể xây dựng nên học thuyết khoa học, cách mạng cho giai cấp vô sản, mặc dù họ chỉ hơn C.Mác 10 - 15 tuổi.
Như vậy, chủ nghĩa Mác ra đời như một tất yếu lịch sử, từ các điều kiện khách quan và các nhân tố chủ quan đã phát triển chín muồi chứ không phải “được nặn ra từ những cái đầu thiển cận, mang nặng tính chủ quan, áp đặt; cũng không phải là “sự ba hoa của kẻ làm trò ảo thuật”, mà là sự chứng minh bởi lịch sử của khoa học hiện đại. Để xây dựng học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã kế thừa những tinh hoa trí tuệ trong lịch sử tư tưởng nhân loại. V.I.Lênin viết: “Lịch sử triết học và lịch sử khoa học xã hội chứng tỏ hết sức rõ rằng chủ nghĩa Mác không có gì giống “chủ nghĩa bè phái” hiểu theo nghĩa một học thuyết đóng kín và cứng nhắc, nảy sinh ở ngoài con đường phát triển vĩ đại của văn minh thế giới”1. Người còn chỉ rõ, học thuyết của C.Mác “ra đời là sự thừa kế thẳng và trực tiếp những học thuyết của các đại biểu xuất sắc nhất trong triết học, trong kinh tế chính trị học và trong chủ nghĩa xã hội”2.
Về điều này, bản thân C.Mác, từ năm 1846, trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, đã nói rõ. 40 năm sau, tức là vào năm 1886, trong tác phẩm: “L.Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, Ph.Ăngghen đã giải đáp tường tận nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác, nói rõ đó là sự kế thừa những giá trị của các bậc tiền bối và đã độc lập nêu ra các quan điểm của mình như thế nào. Đồng thời, coi đó là “việc làm danh dự” rất cần thiết để “trả món nợ lương tâm” mà 40 năm trước C.Mác đã trình bày trong “Hệ tư tưởng Đức”, nhưng thời đó, tác phẩm chưa được xuất bản. Gọi là đọc chủ nghĩa Mác, hiểu chủ nghĩa Mác mà lại không rõ những chi tiết này, để rồi coi chủ nghĩa Mác là “học thuyết đẻ non”, “là sản phẩm sống sượng”, là “sự sao chép học thuyết của Aristốt, Ric¸cđô; Xanhximông, Hêghen, Phoiơbắc” thì rõ ràng đó là sự xuyên tạc trắng trợn

QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN



Quan niệm của Hồ Chí Minh về một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là một đóng góp lý luận quan trọng vào phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật. Nội hàm của luận điểm trên bao hàm cả hai mệnh đề cơ bản sau:
 Nhà nước pháp quyền do nhân dân lao động là chủ và do nhân dân lao động làm chủ. Ngay từ những ngày đầu Nhà nước mới thành lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Mệnh đề “dân là chủ Nhà nước” được Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần, rất có chủ đích; tiêu biểu là cách diễn đạt sau đây: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ...”[2]; “Trong Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân...”[3]; “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ...”[4]; “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động”[5]. Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh “Nhà nước là Nhà nước do nhân dân lao động là chủ” hàm chứa trong đó hai hạt nhân lý luận đặc sắc:
Thứ nhất, bản chất dân chủ của Nhà nước thể hiện trước hết ở vị thế của người dân trong Nhà nước. Định nghĩa “dân chủ là dân làm chủ” rất súc tích, ngắn gọn, nhưng có ý nghĩa khái quát cao, phản ánh quá trình hình thành, phát triển tư tưởng tiến bộ của loài người trong vấn đề dân chủ.
Thứ hai, xuất phát từ quan niệm truyền thống có giá trị phổ quát, xác định rõ dân là gốc của nước. Vì thế, tính chất dân chủ là đặc trưng nổi bật của chính quyền nhà nước kiểu mới; khẳng định nguồn gốc, sức mạnh và chủ thể quyền lực nhà nước là ở nhân dân lao động. Trong nhà nước dân chủ, nhân dân là người có địa vị cao nhất. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Trong bầu trời không gì quí bằng nhân dân”. Chỉ có nhân dân, do địa vị tối cao của mình, mới có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia dân tộc và đất nước; chỉ có nhân dân mới trở thành chỗ dựa vững chắc của nhà nước. Tâm đắc với quan niệm của cha ông: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân” và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của mọi tiến trình lịch sử”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân nghĩa là nhân dân... Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[6]. Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của Nhà nước và sức mạnh của lực lượng nhân dân trong mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước. Người cho rằng: “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng, nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”[7].
Nhà nước phải dựa vào nhân dân, sức mạnh của nhà nước bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, của quần chúng lao động - đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước. Chân lý đó được Hồ Chí Minh khẳng định và diễn đạt một cách hết sức đơn giản nhưng sâu sắc: Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Sự thành bại của cách mạng, sức mạnh của Nhà nước đều gắn với vai trò của quần chúng nhân dân lao động. Trên thực tế lực lượng của nhân dân rất lớn, khả năng của nhân dân là phi thường. Trong mọi vấn đề cách mạng, nếu có dân là có tất cả, ngược lại, không có dân thì thất bại là đương nhiên.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước do dân mà nội dung cốt lõi của nó là:
- Nhà nước tin dân, thấy được rằng mọi lực lượng ở nơi dân, “chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”[8];
- Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân;
- Nhân dân phải tham gia vào công việc của nhà nước;
- Mọi việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân. Do đó phải phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, các hội quần chúng trong công tác quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, nhất định phải dựa vào lực lượng của dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân;
- Dân tự làm, tự lo thông qua các mối quan hệ trong xã hội, qua các đoàn thể, các hội quần chúng, chứ không phải nhà nước bao cấp, lo thay cho dân. Chức năng của nhà nước là quản lý, điều hành xã hội ở cấp vĩ mô;
- Nhà nước tin dân, dân tin nhà nước. Nhà nước tin dân, dân tin nhà nước thì việc gì cũng làm được, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nguyên tắc “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhà nước không chỉ quy định nguồn gốc quyền lực, nguồn gốc sức mạnh của nhà nước, xác định rõ vị thế của nhân dân mà còn giúp giải quyết một vấn đề rất cơ bản, quan trọng và phức tạp là quan hệ giữa người dân với nhà nước, giữa công dân với người cầm quyền.
- Dân là chủ, còn cán bộ công chức, người cầm quyền chỉ là người được ủy quyền, là công bộc của dân, thay mặt dân giải quyết các công việc chung của đất nước. Hồ Chí Minh lưu ý rằng, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân phải theo đúng phương châm: “... Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[9].
Để giải thích rõ mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh tự đặt câu hỏi “Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì?” và trả lời: “là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”[10]. Hoặc “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là sự phân công làm đầy tớ cho dân”[11]. Hoặc “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân”[12]. Ngay cả chức Chủ tịch nước mà Hồ Chí Minh đảm nhiệm cũng được Người nhận thức rất rõ trên tinh thần dân chủ.
Theo Hồ Chí Minh, để quan hệ của dân với Nhà nước, người cầm quyền - công bộc có thể thực hiện được theo đúng nghĩa của nó, cần có các điều kiện: Đối với dân, khi trao quyền, ủy quyền cho Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thì tin cậy, tin tưởng, phải cho họ có thực quyền thì mới thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, mới làm lựi cho dân, trừ hại cho quần chúng;
Đối với cán bộ, công chức, người cầm quyền, muốn làm tròn bổn phận “công bộc” của dân thì phải làm thế nào để dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, phải biết gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, biết sử dụng sức mạnh của dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền làm chủ nhà nước của nhân dân có nội dung rất rộng với một cơ chế thực hiện nghiêm ngặt và được cụ thể hóa trong các điều khoản luật.
Trước hết, nhân dân làm chủ nhà nước thông qua việc tổ chức, xây dựng nên các cơ quan nhà nước bằng con đường tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Với tư cách là một nội dung làm chủ nhà nước của nhân dân, quyền bầu cử được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và ban hành.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền lực tối cao của nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn ở quyền bãi miễn họ, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu. Trong quá trình xây dựng và củng cố Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân đối với Nhà nước”[13]. Theo Người, để nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì đại biểu do dân bầu ra phải có mối liên hệ thường xuyên, bằng nhiều “kênh” khác nhau với nhân dân; thoát ly khỏi mối liên hệ này, Nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên đầu nhân dân, trái với bản chất dân chủ đích thực vốn có của nhà nước kiểu mới.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ còn bao hàm một nội dung quan trọng khác, đó là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước. Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”[14].
Nét độc đáo, đặc sắc của Hồ Chí Minh là ở chỗ quan niệm nghĩa vụ công dân không chỉ trên tinh thần luật pháp, mà cả trên bình diện đạo đức, nhân cách người công dân. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân…”[15].
Ý thức làm chủ, thực hiện nghĩa vụ làm chủ phải trở thành hành động tự giác, thấm sâu vào mỗi người, trong từng công việc cụ thể, hàng ngày. Hồ Chí Minh lưu ý rằng: “Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà. Người công nhân phải yêu quý máy móc như yêu quý con mình, người nông dân yêu quý trâu bò của hợp tác xã như bạn thân của mình. Mọi người phải biết giữ gìn của công, phải chăm lo việc tập thể như chăm lo việc gia đình. Đã là người chủ thì phải biết tự lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mọi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”[16].
Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân và vì dân là nhà nước dân chủ, thể hiện quyền lực của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là bảo đảm thực thi quyền lực của nhân dân lao động. Quan điểm này của Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013 đều thể hiện điều đó. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì các nội dung làm cho nhân dân lao động là chủ và nhân dân lao động thực sự làm chủ phải là nội dung trọng yếu của việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta, là đặc trưng tổng quát của mô hình cấu trúc xã hội chủ nghĩa theo quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, xây dựng một nhà nước pháp quyền như thế phải là nhà nước toàn tâm toàn ý phục vụ quyền lợi chính đáng, thiêng liêng của nhân dân. Hãy suy ngẫm triết lý nhân sinh sâu sắc của Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”[17] và “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”[18], “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”[19]... “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”[20]. Chúng ta là con cháu của Người, không có lý gì lại không ra sức học tập và thực hiện cho tốt lời dạy chí tình, chí nghĩa, chí lý ấy./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.698.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.515.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.217.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.368, 500.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 310.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 276.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 56.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 698.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 56.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 515.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 368.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 591.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 361.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 542.
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 310.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 698.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 66.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 47.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 278.