Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Tự do báo chí ở Việt Nam - Sự thật khách quan cần tôn trọng



Tự do báo chí ở Việt Nam khác gì tư do báo chí ở Mỹ?
 Trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Ở mỗi bản Hiến pháp, nội dung này được kế thừa và phát triển phù hợp từng điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta.
Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các giai cấp, giai tầng, các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo của mình.
Tính đến tháng 2/2013, cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm, trong đó 197 cơ quan có báo (gồm 84 báo chí Trung ương, 113 báo địa phương); 615 cơ quan có tạp chí (488 tạp chí Trung ương và 127 tạp chí địa phương). Toàn quốc có 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và địa phương; trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh). Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu thử nghiệm công nghệ IPTV.
Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hội Nhà báo Việt Nam quản lý hơn 19.000 hội viên; trong đó gần 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại hàng trăm cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi nhà báo hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt Nam, báo chí đã thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghệ nghiệp; là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Đồng thời, khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào, họ đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức đó nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm quyền được thông tin của mình. Chính vì lẽ đó, đông đảo các giai cấp, giai tầng xã hội ở Việt Nam tự thấy không có nhu cầu xuất bản báo chí tư nhân.
Các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình theo từng tháng và ít nhất ba tháng một lần tổ chức họp báo. Ngoài ra, Quy chế còn nêu rõ người có quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất, bất thường sau: một là, khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận; hai là: khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan; ba là: khi có căn cứ cho rằng, báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý để yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn ngày thêm sáng tỏ rằng, ở Việt Nam, đã thực sự có tự do ngôn luận, tự do báo chí trên cơ sở từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu ai đó cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để công khai chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc đều bị xử lý bình đẳng, nghiêm minh bằng hành chính hoặc bằng pháp luật. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt so với bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào!./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét