Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN



Quan niệm của Hồ Chí Minh về một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là một đóng góp lý luận quan trọng vào phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật. Nội hàm của luận điểm trên bao hàm cả hai mệnh đề cơ bản sau:
 Nhà nước pháp quyền do nhân dân lao động là chủ và do nhân dân lao động làm chủ. Ngay từ những ngày đầu Nhà nước mới thành lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Mệnh đề “dân là chủ Nhà nước” được Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần, rất có chủ đích; tiêu biểu là cách diễn đạt sau đây: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ...”[2]; “Trong Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân...”[3]; “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ...”[4]; “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động”[5]. Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh “Nhà nước là Nhà nước do nhân dân lao động là chủ” hàm chứa trong đó hai hạt nhân lý luận đặc sắc:
Thứ nhất, bản chất dân chủ của Nhà nước thể hiện trước hết ở vị thế của người dân trong Nhà nước. Định nghĩa “dân chủ là dân làm chủ” rất súc tích, ngắn gọn, nhưng có ý nghĩa khái quát cao, phản ánh quá trình hình thành, phát triển tư tưởng tiến bộ của loài người trong vấn đề dân chủ.
Thứ hai, xuất phát từ quan niệm truyền thống có giá trị phổ quát, xác định rõ dân là gốc của nước. Vì thế, tính chất dân chủ là đặc trưng nổi bật của chính quyền nhà nước kiểu mới; khẳng định nguồn gốc, sức mạnh và chủ thể quyền lực nhà nước là ở nhân dân lao động. Trong nhà nước dân chủ, nhân dân là người có địa vị cao nhất. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Trong bầu trời không gì quí bằng nhân dân”. Chỉ có nhân dân, do địa vị tối cao của mình, mới có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia dân tộc và đất nước; chỉ có nhân dân mới trở thành chỗ dựa vững chắc của nhà nước. Tâm đắc với quan niệm của cha ông: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân” và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của mọi tiến trình lịch sử”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân nghĩa là nhân dân... Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[6]. Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của Nhà nước và sức mạnh của lực lượng nhân dân trong mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước. Người cho rằng: “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng, nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”[7].
Nhà nước phải dựa vào nhân dân, sức mạnh của nhà nước bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, của quần chúng lao động - đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước. Chân lý đó được Hồ Chí Minh khẳng định và diễn đạt một cách hết sức đơn giản nhưng sâu sắc: Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Sự thành bại của cách mạng, sức mạnh của Nhà nước đều gắn với vai trò của quần chúng nhân dân lao động. Trên thực tế lực lượng của nhân dân rất lớn, khả năng của nhân dân là phi thường. Trong mọi vấn đề cách mạng, nếu có dân là có tất cả, ngược lại, không có dân thì thất bại là đương nhiên.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước do dân mà nội dung cốt lõi của nó là:
- Nhà nước tin dân, thấy được rằng mọi lực lượng ở nơi dân, “chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”[8];
- Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân;
- Nhân dân phải tham gia vào công việc của nhà nước;
- Mọi việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của dân. Do đó phải phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, các hội quần chúng trong công tác quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, nhất định phải dựa vào lực lượng của dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân;
- Dân tự làm, tự lo thông qua các mối quan hệ trong xã hội, qua các đoàn thể, các hội quần chúng, chứ không phải nhà nước bao cấp, lo thay cho dân. Chức năng của nhà nước là quản lý, điều hành xã hội ở cấp vĩ mô;
- Nhà nước tin dân, dân tin nhà nước. Nhà nước tin dân, dân tin nhà nước thì việc gì cũng làm được, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nguyên tắc “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhà nước không chỉ quy định nguồn gốc quyền lực, nguồn gốc sức mạnh của nhà nước, xác định rõ vị thế của nhân dân mà còn giúp giải quyết một vấn đề rất cơ bản, quan trọng và phức tạp là quan hệ giữa người dân với nhà nước, giữa công dân với người cầm quyền.
- Dân là chủ, còn cán bộ công chức, người cầm quyền chỉ là người được ủy quyền, là công bộc của dân, thay mặt dân giải quyết các công việc chung của đất nước. Hồ Chí Minh lưu ý rằng, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân phải theo đúng phương châm: “... Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[9].
Để giải thích rõ mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, Hồ Chí Minh tự đặt câu hỏi “Chính phủ cộng hòa dân chủ là gì?” và trả lời: “là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng dân dùng đầy tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”[10]. Hoặc “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là sự phân công làm đầy tớ cho dân”[11]. Hoặc “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân”[12]. Ngay cả chức Chủ tịch nước mà Hồ Chí Minh đảm nhiệm cũng được Người nhận thức rất rõ trên tinh thần dân chủ.
Theo Hồ Chí Minh, để quan hệ của dân với Nhà nước, người cầm quyền - công bộc có thể thực hiện được theo đúng nghĩa của nó, cần có các điều kiện: Đối với dân, khi trao quyền, ủy quyền cho Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thì tin cậy, tin tưởng, phải cho họ có thực quyền thì mới thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, mới làm lựi cho dân, trừ hại cho quần chúng;
Đối với cán bộ, công chức, người cầm quyền, muốn làm tròn bổn phận “công bộc” của dân thì phải làm thế nào để dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, phải biết gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, biết sử dụng sức mạnh của dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền làm chủ nhà nước của nhân dân có nội dung rất rộng với một cơ chế thực hiện nghiêm ngặt và được cụ thể hóa trong các điều khoản luật.
Trước hết, nhân dân làm chủ nhà nước thông qua việc tổ chức, xây dựng nên các cơ quan nhà nước bằng con đường tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Với tư cách là một nội dung làm chủ nhà nước của nhân dân, quyền bầu cử được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 do Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo và ban hành.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền lực tối cao của nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn ở quyền bãi miễn họ, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu. Trong quá trình xây dựng và củng cố Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân đối với Nhà nước”[13]. Theo Người, để nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì đại biểu do dân bầu ra phải có mối liên hệ thường xuyên, bằng nhiều “kênh” khác nhau với nhân dân; thoát ly khỏi mối liên hệ này, Nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên đầu nhân dân, trái với bản chất dân chủ đích thực vốn có của nhà nước kiểu mới.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do nhân dân làm chủ còn bao hàm một nội dung quan trọng khác, đó là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước. Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”[14].
Nét độc đáo, đặc sắc của Hồ Chí Minh là ở chỗ quan niệm nghĩa vụ công dân không chỉ trên tinh thần luật pháp, mà cả trên bình diện đạo đức, nhân cách người công dân. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân…”[15].
Ý thức làm chủ, thực hiện nghĩa vụ làm chủ phải trở thành hành động tự giác, thấm sâu vào mỗi người, trong từng công việc cụ thể, hàng ngày. Hồ Chí Minh lưu ý rằng: “Đã là người chủ Nhà nước thì phải chăm lo việc nước như chăm lo việc nhà. Người công nhân phải yêu quý máy móc như yêu quý con mình, người nông dân yêu quý trâu bò của hợp tác xã như bạn thân của mình. Mọi người phải biết giữ gìn của công, phải chăm lo việc tập thể như chăm lo việc gia đình. Đã là người chủ thì phải biết tự lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mọi người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”[16].
Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước của dân, do dân và vì dân là nhà nước dân chủ, thể hiện quyền lực của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là bảo đảm thực thi quyền lực của nhân dân lao động. Quan điểm này của Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam. Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013 đều thể hiện điều đó. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì các nội dung làm cho nhân dân lao động là chủ và nhân dân lao động thực sự làm chủ phải là nội dung trọng yếu của việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta, là đặc trưng tổng quát của mô hình cấu trúc xã hội chủ nghĩa theo quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, xây dựng một nhà nước pháp quyền như thế phải là nhà nước toàn tâm toàn ý phục vụ quyền lợi chính đáng, thiêng liêng của nhân dân. Hãy suy ngẫm triết lý nhân sinh sâu sắc của Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”[17] và “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”[18], “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”[19]... “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”[20]. Chúng ta là con cháu của Người, không có lý gì lại không ra sức học tập và thực hiện cho tốt lời dạy chí tình, chí nghĩa, chí lý ấy./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.698.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.515.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.217.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.368, 500.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 310.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 276.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 56.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 698.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 56.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 515.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 368.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 591.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 361.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 542.
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 310.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 698.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 66.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 47.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 278.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét